Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp lãnh đạo các nước; thăm Công ty Pfizer 

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục các hoạt động tại New York (Hoa Kỳ), ngày 23/9 (theo giờ địa phương, tức ngày 24/9 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với nguyên thủ, lãnh đạo một số nước; gặp trực tuyến Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ và đến thăm công ty Pfizer.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi với đại diện của các nước là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trao đổi với đại diện của đoàn Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng ổn định, lành mạnh là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Là hai quốc gia láng giềng, Việt Nam và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ để bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xanh.

Trao đổi với đại diện của đoàn Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Điều này đã được Chủ tịch nước khẳng định tại cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào tuần trước.

Và tới đây, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ sớm có các cuộc hội kiến trực tiếp để tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Hoa Kỳ đang là một trong những nước tài trợ vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất cho các nước qua Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX. Qua cơ chế này, Việt Nam đã nhận được 5 triệu liều vaccine.

Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken nhắc lại cam kết mới về đóng góp nửa tỷ liều vaccine của Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu, mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự ngày 22/9, nên chắc chắn tới đây, Việt Nam và các nước sẽ tiếp tục nhận được thêm vaccine qua cơ chế COVAX.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó trụ cột chính của mối quan hệ là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Trên tinh thần đó, hai nước cần tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, nhất là công nghệ cao, hiện diện nhiều hơn nữa vào Việt Nam, cũng như bảo đảm quan hệ thương mại phát triển ổn định, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Đảng Dân chủ - bang Vermont), Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, một người bạn của nhân dân Việt Nam.

Tại cuộc trao đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những bước tiến trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và những đóng góp của quan hệ hai nước đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2019 của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cá nhân Thượng nghị sĩ và Quốc hội Hoa Kỳ trong việc vận động Chính quyền Hoa Kỳ hỗ trợ vaccine và trang thiết bị y tế cho Việt Nam; đề nghị Thượng nghị sĩ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có hỗ trợ những nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc màu da cam.

Ông nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và vấn đề an ninh hàng hải; khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ các nước, trong đó có Việt Nam, để cùng ứng phó với các thách thức này.

Thượng nghị sĩ mong trở lại Việt Nam khi điều kiện cho phép và sẽ mời các nghị sĩ khác của Hoa Kỳ đi cùng để cũng có cái nhìn về Việt Nam như ông.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Hoàng hậu Hà Lan Maxima - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp với Hoàng hậu Hà Lan Maxima, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính và phát triển bao trùm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng hậu Maxima bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Hà Lan trong thời gian qua. Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.

Chủ tịch nước và Hoàng hậu Maxima nhất trí cho rằng trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục duy trì các tiếp xúc cấp cao, trao đổi giữa các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục phát huy thế mạnh của hai nước, tiếp tục là những đối tác hàng đầu của nhau tại ASEAN và Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Hà Lan đối với chương trình COVAX và số lượng lớn vật tư y tế mà Hà Lan đã viện trợ cho Việt Nam thời gian qua; mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vaccine và thiết bị y tế để Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước cần thúc đẩy các hoạt động trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp, kể cả trực tiếp và trực tuyến.

Hai bên cần sớm xúc tiến cử lãnh sự danh dự tại mỗi nước nhằm tạo cầu nối thúc đẩy quan hệ nhiều mặt trong khi chưa có điều kiện mở đại sứ quán tại thủ đô của nhau, đồng thời phối hợp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác song phương thông qua hoàn tất đàm phán, tiến tới ký kết một số hiệp định quan trọng như khuyến khích-bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Sierra Leone trong khuôn khổ song phương hoặc 3 bên, 4 bên.

Bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lịch sử và những thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội ngày nay, Tổng thống Julius Maada Bio mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, đầu tư vào sản xuất và thúc đẩy các hiệp đinh tự do thương mại.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheik Hasina, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và nhất trí hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác sẵn có như Ủy ban Hỗn hợp, Tiểu ban Thương mại hỗn hợp nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng hơn nữa, hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD trong thời gian tới.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong muốn đầu tư vào Bangladesh trong các lĩnh vực nông-ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, văn hoá, giáo dục-đào tạo, du lịch, dệt may và đề nghị Bangladesh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận hơn nữa đối với thị trường Bangladesh trong các lĩnh vực nêu trên.

Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch nước đánh giá cao sự hợp tác của IMF với Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời cảm ơn IMF đã chung tay với Việt Nam trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chủ tịch nước cũng hoan nghênh IMF đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thiết lập cơ chế Nhóm Đặc trách về vaccine ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy cung ứng vaccine và các dụng cụ, thiết bị y tế cho các nước đang phát triển.

Qua đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong IMF hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tiếp cận với nguồn vaccine và tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Tổng Giám đốc IMF đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời khẳng định IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 cũng như đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.

 

Chủ tịch nước làm việc với Công ty Pfizer - Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 23/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Công ty Pfizer, một trong những công ty sinh học dược phẩm hàng đầu trên thế giới.

Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng về vai trò tích cực của Pfizer trong các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là phát triển thành công vaccine được toàn thế giới công nhận là một “vũ khí” hiệu quả cao để khống chế đại dịch.

Chủ tịch nước đánh giá cao Công ty Pfizer đã bàn giao cho Việt Nam hơn 2,8 triệu liều vaccine theo hợp đồng cung cấp đã ký với Chính phủ Việt Nam, kịp thời góp phần quan trọng giúp Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh cũng như cam kết bảo đảm kế hoạch cung cấp trong những tháng còn lại của năm nay.

Chủ tịch nước nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn vaccine đầy đủ không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với sức khoẻ của người dân, mà còn giúp bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam; tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước đề nghị Pfizer quan tâm và thúc đẩy tăng số lượng vaccine Pfizer cung cấp cho Việt Nam sớm nhất trong tháng 9/2021 và giao hết trong năm 2021 theo hợp đồng 31 triệu liều mà hai bên đã ký kết; sớm cụ thể hóa lộ trình để bàn giao sớm nhất vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi và sớm hoàn tất thủ tục chấp thuận để các quốc gia khác như Ba Lan có thể nhanh chóng nhượng lại vaccine của hãng Pfizer cho Việt Nam khi Việt Nam đạt được thỏa thuận mua lại vaccine của Pfizer từ các nước này.

Phó Chủ tịch Pfizer Jonathan Selib cho biết Pfizer luôn có quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam, cam kết cung cấp cho Việt Nam đủ 31 triệu liều vaccine cho người trưởng thành trong năm nay, đồng thời cung cấp 20 triệu liều cho trẻ em khi Pfizer có đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.

Ngoài ra, ông Jonathan Selib cũng đã ghi nhận đề nghị hợp tác sản xuất vaccine và sẽ triển khai nhanh thủ tục để Việt Nam nhận vaccine của Ba Lan.

Pfizer hoan nghênh việc Hoa Kỳ lập Văn phòng CDC khu vực ở Việt Nam vừa qua nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris, thể hiện sự tin tưởng của Hoa Kỳ đối với năng lực phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và sẽ cùng với Văn phòng này hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nỗ lực phòng chống các loại dịch bệnh.

Chủ tịch nước gửi thông điệp tại Hội nghị các hệ thống lương thực

Tiếp tục chương trình hoạt động tại Hoa Kỳ, ngày 23/9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thông điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên Hợp Quốc do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chủ trì.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp bảo đảm an ninh lương thực trước bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho biết, Việt Nam muốn trở thành trung tâm sáng tạo về lương thực, thực phẩm ở khu vực. 

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo cấp cao các nước cùng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác đa phương để chung tay thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và thay đổi cách thức sản xuất, xử lý và tiêu thụ lương thực, thực phẩm để chuyển đổi các hệ thống lương thực theo hướng lành mạnh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn, bảo vệ tốt hơn con người và hành tinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, đóng góp tích cực vào việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phối hợp giữa các quốc gia, các đối tác, nhân tố trong hệ thống lương thực, thực phẩm phải vì lợi ích của người dân. Tại Việt Nam, bảo đảm lương thực chính là nền tảng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề xuất một số giải pháp.

Đầu tiên là chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang tích hợp đa giá trị bao gồm các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan môi trường; bảo đảm phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp và thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. 

Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bảo đảm cung ứng lương thực, giảm thất thoát và lãng phí trong lương thực; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học.

Cùng với đó, Chủ tịch nước cho rằng các quốc gia cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch nước nêu rõ đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp vừa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân, khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong đầu tư có trách nhiệm, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình hợp tác công-tư hiệu quả; Xây dựng và cập nhật bản cân đối dinh dưỡng quốc gia làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối, tăng cường giáo dục truyền thông để tạo môi trường thực phẩm lành mạnh, thói quen ăn uống hợp lý, cân đối dinh dưỡng, xu thế tiêu dùng xanh, có trách nhiệm tránh thất thoát và lãng phí; Chuyển đổi số cần đi liền với đổi mới an sinh xã hội, thể chế, trong đó lấy người nông dân và người tiêu dùng là trung tâm; Việt Nam đã hình thành các mạng lưới đổi mới sáng tạo và sẵn sàng tham gia các khuôn khổ hợp tác của Liên Hợp Quốc và muốn phát triển thành một trung tâm sáng tạo về lương thực thực phẩm ở khu vực.

Để phát triển bền vững hệ thống lương thực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; Quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất nước, đa dạng sinh học và rừng; Quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển. 

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu thông điệp, cùng nhau hành động không gì là không thể, để các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc trở thành hiện thực./.

Theo TTXVN

263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 878
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 878
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87140814