Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đến thăm, làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Theo báo cáo của Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trịnh Xuân Toản, hoạt động của Văn phòng đã từng bước hòa nhập với công tác chung của Ban Nội chính Trung ương kể từ sau khi được sáp nhập về Ban Nội chính Trung ương. Văn phòng đã tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá công tác tháng 2/2018, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 3/2018, trọng tâm là những nội dung chuẩn bị cho Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (dự kiến vào cuối tháng 3/2018). Ban Nội chính Trung ương đang chờ Bộ Chính trị cho ý kiến sửa đổi Quyết định 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, từ đó Văn phòng đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, cơ chế tham mưu, chủ yếu là về nhiệm vụ, quyền hạn của các ủy viên chuyên trách của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong năm 2017, góp phần tích cực phục vụ Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương hoàn thành chương trình công tác đã đề ra. Chủ tịch nước hoan nghênh Văn phòng đã triển khai các công việc một cách tích cực, đảm bảo đúng tiến độ việc sáp nhập về Ban Nội chính Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII), đảm bảo tốt tư tưởng của cán bộ, nhân viên và hoạt động đã đi vào ổn định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có những nhiệm vụ rất quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về việc kiện toàn bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực cho hai Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Vào cuối nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và đề ra phương hướng của nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Đây là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chính vì vậy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cần bám sát những quan điểm cơ bản đã được đề cập trong Nghị quyết 49-NQ/TW để kiến nghị các chủ trương, giải pháp phù hợp trong lĩnh vực cải cách tư pháp; phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ để thẩm định, kiến nghị Quốc hội thông qua những sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các dự án luật bám sát Nghị quyết của Đảng, đảm bảo quyền công dân, quyền con người; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì dân, sống và làm việc bình đẳng theo Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn vi phạm pháp luật, nhưng cũng thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân văn của Đảng, Nhà nước; phải công khai, minh bạch, nhưng cũng không để ảnh hưởng đến quyền lợi công dân và tránh để kẻ xấu xuyên tạc./.
Đức Dũng/TTXVN