|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; trình Trung ương cho ý kiến. Trên cơ sở đó, chiều 1/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý uy tín của đất nước để lắng nghe những ý kiến góp ý vào việc xây dựng Đề án quan trọng này. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.
12 chuyên gia, nhà khoa học tham dự buổi làm việc lần này gồm các giáo sư, tiến sỹ - những tên tuổi hàng đầu trong giới nghiên cứu pháp luật đến từ các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học pháp lý uy tín của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung năm 2011) đã đề cập đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Luận điểm quan trọng này đã được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI và Hiến pháp 2013: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức quản lý bằng pháp luật.
Chủ tịch nước cho rằng, sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh, tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là: Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên; nội dung, phương thức quản lý Nhà nước từng bước được điều chỉnh phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước hết sức căn bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Việc phân công, phân cấp, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa cơ quan Nhà nước, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp có chuyển biến tích cực hơn. Bộ máy Nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có 4 cải cách quan trọng bao gồm: Cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách giáo dục, cải cách tiền lương được coi là đột phá trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Tổ chức bộ máy của Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân.
Tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nước ta trong kỳ đổi mới đến nay đã làm cho đất nước phát triển tốt hơn, ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện; cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên mọi mặt. Đặc biệt, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ được củng cố.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Việc đổi mới chưa đồng bộ giữa kinh tế và tổ chức, bộ máy. Cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế giám sát, vai trò giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử chưa đạt mong muốn đề ra. Việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa đủ răn đe. Cải cách tư pháp, Cải cách hành chính chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.
|
Hình ảnh tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Chủ tịch nước khẳng định, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Theo đó, có các nhiệm vụ: Xây dựng Nhà nước kiến tạo; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia cho ý kiến vào một số vấn đề như: Phạm vi của Đề án, nội dung nghiên cứu, các chuyên đề chuyên sâu thực hiện Đề án và việc phân công, tổ chức thực hiện xây dựng dự thảo Đề án.
Tại buổi làm việc, bày tỏ tán thành, nhất trí cao đối với tính cấp thiết và những định hướng xây dựng Đề án, các nhà khoa học cho rằng, Đề án cần được xây dựng với tinh thần đề cao vị trí, vai trò của pháp luật. Pháp luật phải được tôn trọng, thi hành nghiêm minh. Đánh giá cao cách làm đổi mới, thiết thực và hiệu quả của Ban Chỉ đạo, các nhà khoa học đề nghị, việc xây dựng Đề án cần hướng đến thúc đẩy tiến bộ xã hội trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… và quan trọng nhất là phải “hướng đến người dân”; vì lợi ích các tổ chức, công dân. Đề án cũng cần phải tháo gỡ được những hạn chế của pháp luật hiện tại; có tính đến sự hài hòa của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Đặc biệt, các nhà khoa học nhấn mạnh quan điểm xây dựng Đề án phải bám sát quan điểm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đối với tất cả các tổ chức chính trị xã hội trong đời sống Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Cùng với đó là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, giữa tập thể với cá nhân trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến yêu cầu cần đề cao vai trò của nhân dân trong xây dựng Đề án với tư cách là chủ thể của quyền lực, là mục tiêu, là chủ thể của chính sách. Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc phân công thực hiện xây dựng Đề án quan trọng này phải tránh được tư tưởng “ngành”; tránh tình trạng bảo vệ quyền và lợi ích của ngành mà phải hướng đến các mục tiêu chung, tầm nhìn dài hạn.
Hoan nghênh, đánh giá cao ý kiến của các nhà khoa học tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cho rằng, các ý kiến góp ý lần này là “tinh hoa” của giới luật học Việt Nam, nếu được tháo gỡ, triển khai tốt sẽ có thể tạo ra bước đột phá trong xây dựng, phát triển đất nước. Chủ tịch nước cho biết, Đề án dự kiến sẽ được thông qua trong chương trình của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Về các nội dung góp ý, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Đề án.
Các nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận phải mới, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực; làm rõ hơn 1 số nội hàm và có thể bổ sung thêm 1 số chuyên đề mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Các chuyên đề khi xây dựng cần tiếp thu thành tựu nghiên cứu, mô hình Nhà nước pháp quyền trên thế giới với bước đi chắc chắn, phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định, các ý kiến góp ý tại buổi làm việc lần này sẽ được tiếp thu đầy đủ trong quá trình hoàn thiện Kế hoạch xây dựng Đề án. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, mở các hội thảo trên một số lĩnh vực khác để tiếp thu các ý kiến đóng góp về Đề án./.