CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – HÀNH TRÌNH CỨU NƯỚC VÀ KHÁT VỌNG VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân ta; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người là tượng trưng cho tinh hoa dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ và phẩm chất đạo đức của Đảng và dân tộc. Cả một cuộc đời Người chỉ nghĩ về độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc và với mỗi người “ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành”.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và ước vọng của toàn dân tộc, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 tuổi sẽ là nước phát triển, thu nhập cao- một Việt Nam hùng cường “bước tới đài vinh quang, để sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”[1] như ước nguyện lúc sinh thời của Người.

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021) chúng ta hãy tìm hiểu hành trình cứu nước và khát vọng Việt Nam hùng cường của Người.

Hành trình cứu nước

Vào cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu làm nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng đi tìm đường cứu nước, tiến hành nhiều cuộc vận động, đấu tranh nhưng đều bị thất bại. Giữa lúc tình hình đen tối như không có đường ra, ngày 05/6/1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Thành phố Sài Gòn, Bác Hồ của chúng ta lấy tên là Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước và một dự định rõ rệt, lớn lao, đó là “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”, đó là dự định đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Cuộc hành trình 30 năm (1911 - 1941), bôn ba qua nhiều châu lục, cuộc sống lao động đầy gian khổ đã không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn và mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định, thôi thúc Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế đã dẫn dắt người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành nhà hoạt động cách mạng quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Người nhận thức sâu sắc rằng cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và con đường phát triển tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc là tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, chỉ có làm cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giữ vững và phát huy được những thành quả của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, đó là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đó chính là Đường kách mệnh cho dân tộc ta mà Người đã chọn.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, bắt đầu từ hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

Khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong một bài viết mới đây đã chia sẻ: Đối với một đời người, cái gì khiến người ta trẻ ? không phải tuổi tác, cũng không phải sức vóc… mà là khát vọng.  Đối với một quốc gia, dân tộc bí quyết nào khiến nó trở nên hùng cường và bất diệt? không phải to hay nhỏ, càng không phải sinh ra trước hay sau… mà đó chính là khát vọng!

Dù một đời người hay tới cả một quốc gia, dân tộc, không có khát vọng nhất định sẽ không có gì như mong muốn cả! Một khát vọng bỏng cháy thì dù trước hay sau luôn luôn là điểm xuất phát cho mọi thành công. Lịch sử nhân loại xác tính rằng, không có một thành công nào của bất cứ ai, của bất cứ quốc gia, dân tộc nào trải từ thiên cổ tới bây giờ, không được bắt đầu và lớn lên từ hoài bão, từ khát vọng. Dân tộc Việt Nam ta từ trong trường kỳ lịch sử mấy ngàn năm thăng trầm, còn mất của mình không nằm ngoài quy luật ấy của muôn đời, của mọi thời.

Chúng ta chắc không ai không nhớ câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Những ngày trước cuộc khởi nghĩa trăm công nghìn việc gấp gáp, vì phải làm việc nhiều, Bác Hồ bị mệt nặng. Tuy vậy, Bác vẫn gắng làm việc. Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn đi mà thuốc thang không có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh. Bác đã uống nhưng không đỡ. Thấy Bác đã sốt nặng, lại mê sảng tôi rất lo... Đêm ấy, tôi ở lại với Bác trong cái lán giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác lại nói đến công việc, Bác dặn: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...”. Với khát vọng đó chúng ta đã làm được điều kỳ diệu - Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng nhân dân khỏi kiếp lầm than, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của đất nước và dân tộc ta.

Đất nước độc lập, tự do nhưng Bác cho rằng: Độc lập tự do mà dân chết đói, chết rét thì độc lập tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì? “Dân đói, dân rét, dân thiếu muối Chính phủ phải lo”. Cho nên, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trước lúc đi xa, Người cũng không quên dặn lại Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Và cả những vấn đề cụ thể: “Sau khi nước nhà thống nhất, tôi đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”…

Cùng với những công việc trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, cùng với những kế sách dân sinh, một việc không kém phần quan trọng là phải thực hành tiết kiệm, nếu không thì cũng như “gió vào nhà trống”. Vì vậy, nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói. Trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10m2.Vậy mà, Bác vẫn đề nghị để đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí. Đôi dép cao su mà Bác thường dùng được cắt ra từ lốp một chiếc xe của Pháp bị ta phục kích từ những ngày ở Việt Bắc. Mặc dù, đôi dép đã quá cũ, quai đã mòn phải đóng đinh đi, đóng đinh lại nhưng Bác vẫn sử dụng, kể cả khi tiếp khách quốc tế....

Hơn 52 năm người đi xa, những điều Người dặn, những điều Người mong mỏi, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta về cơ bản đã thực hiện được. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[2]. Tiếp nối thành tựu thành tựu rất quan trọng mà chúng ta giành được, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2021-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đến năm 2030 và khát vọng phát triển đến 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Mặc dù chúng ta biết rằng, con đường đi đến mục tiêu đó không ít khó khăn, thách thức. Đó là những diễn biến phức tạp khó lường trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế; là những thách thức về an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh, tranh chấp biển đảo; là những hạn chế về tính bền vững, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước; là nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xã hội, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi... Nhưng có khát vọng phát triển; khát vọng Việt Nam giàu mạnh hùng cường thì chắc chắc mục tiêu ấy sẽ đạt được.

Chúng ta có đủ cơ sở khoa học và niềm tin để tin rằng “Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân[3]. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

 


    [1] Thư Bác Hô gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên năm 1945

     [2]  Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1 tr 25

     [3]  Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần  XIII, tập 1, tr 11

711 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 665
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 665
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87003912