* Về vị trí, vai trò của văn hóa
Từ những cơ sở khách quan, khoa học, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm đúc kết nội hàm khái niệm văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Khái niệm này đã khái quát nội dung rộng nhất của phạm trù văn hóa, bao hàm các hoạt động vật chất và tinh thần của con người cùng với các giá trị mà con người sáng tạo ra; đồng thời, cũng chỉ ra nhu cầu sinh tồn của con người với tư cách chủ thể hoạt động của đời sống xã hội chính là nguồn gốc, động lực sâu xa của văn hóa.
Về vị trí, vai trò của văn hóa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Từ đó, một trong những vấn đề cơ bản, hệ trọng đặt ra là phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lĩnh vực văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội.
Về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và ở trong chính trị; chỉ khi chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng; chính trị mở đường cho văn hóa phát triển, để văn hóa phát triển tự do, phải làm cách mạng chính trị trước. “Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy... dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được”. Văn hóa phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị tức là tham gia vào các hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đối với mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”. Mặt khác, Người cũng khẳng định: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Từ đó có thể thấy, quan điểm của Người không những khẳng định kinh tế chính là cơ sở của văn hóa; do đó, kinh tế phải đi trước một bước, phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hóa mà còn chỉ ra, văn hóa ngược lại có tính tích cực, chủ động, là động lực của kinh tế và chính trị, vì thế văn hóa phải ở trong kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.
* Về phát triển, nâng tầm văn hóa Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển, nâng tầm văn hóa Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi, là mục tiêu, động lực của sự phát triển: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Người còn đưa ra quan điểm về xây dựng một nền văn hóa mới với 5 điểm lớn định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa dân tộc: “1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4- Xây dựng chính trị: dân quyền. 5- Xây dựng kinh tế”.
Theo Người, để thay thế văn hóa nô dịch của chủ nghĩa thực dân, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một nền văn hóa mới. Nền văn hóa mới đó phát triển với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Nhằm xây dựng nền văn hóa mới trên một số lĩnh vực cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một số yêu cầu nổi bật sau:
Một là, về giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, điều quan trọng trước tiên ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập là phải mở ngay chiến dịch chống “giặc dốt”. Người xác định mục tiêu của giáo dục là thực hiện ba chức năng của văn hóa bằng giáo dục: dạy và học để bồi dưỡng lý tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; mở mang dân trí; bồi dưỡng những phẩm chất và phong cách tốt đẹp... Những quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục là định hướng cho việc xây dựng nền giáo dục mới phát triển đúng đắn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh thống nhất nước nhà.
Hai là, về văn hóa - văn nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các quan điểm cơ bản định hướng cho việc xây dựng nền văn nghệ cách mạng: Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, người hoạt động văn hóa, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân... Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Người chỉ rõ: dân tộc bị áp bức thì văn nghệ sĩ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do phải tham gia cách mạng...
Ba là, về đạo đức mới, lối sống mới, nếp sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để xây dựng đời sống mới, thì phải xây dựng đạo đức mới, xây dựng lối sống văn minh, nếp sống mới. Trước hết cần “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” vì “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”. Để xây dựng lối sống mới, cần phải sửa đổi “cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại”.
Trong xây dựng nền văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm phải giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc - bởi dân tộc là gốc của văn hóa, không có cái gốc ấy thì không thể tiếp thu được tinh hoa của các nước mà cũng không đóng góp được gì cho văn hóa nhân loại; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (năm 1942), Người đặt ra vấn đề quan trọng hàng đầu là: Dân ta phải biết sử ta. Những ngày đầu mới lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và công bố Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23-11-1945, về bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam (bao gồm tất cả các di tích đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, lăng mộ, bia ký, đồ vật, văn bằng, sách vở,...). Theo Người, việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Đối với vấn đề lễ hội ở các di tích, năm 1958, Người chỉ đạo: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, cái gì không tốt thì loại dần ra ... Cái gì tốt, thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái xấu thì ta phải bỏ đi”. Quan điểm này của Bác cho thấy thái độ trân trọng đối với tinh hoa thuần phong mỹ trong các lễ hội nhưng không đánh đồng tất cả mà có sự chọn lọc cho phù hợp. Người cũng rất chú ý đến việc bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc:“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ở Hà Nội, ngày 24-11-1946, Người nói: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ” và “Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại”. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hóa: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Có thể thấy, quan điểm của Người đã khẳng định việc kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc của văn hóa Việt Nam phải được tiến hành đồng thời với việc không ngừng tự làm phong phú qua việc tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Qua đó, làm cho nền văn hóa mới ở Việt Nam không những mang đặc trưng phản ánh cốt cách, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn phù hợp với trình độ văn minh tiên tiến, hiện đại của nhân loại.
Phải nói rằng, những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, phát triển, nâng tầm văn hóa dân tộc không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, mà còn có giá trị sâu sắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm, tư tưởng ấy chính là cơ sở nền tảng để Đảng xây dựng đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Minh Huyền