Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Một trong những di sản, đó chính là vấn đề con người, chăm lo con người “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa” ; “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”[1]. Đặc biệt, Người để lại cho chúng ta một mẫu mực về sự tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tháng 6-1947, trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội, nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài. Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc” [2]. Trong một lần khác, trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc”. Với Người: “Những người trí thức tham gia cách mạng rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”[3].
Năm 1948, trong bài“Tìm người tài đức”, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Người cho rằng: “Đảng và Chính phủ rất mong muốn, rất cố gắng mà đoàn kết với tầng lớp trí thức, đoàn kết lâu dài trong kháng chiến, trong kiến quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa. Đảng và Chính phủ thành tâm giúp trí thức tiến bộ mãi lên trên bước đường vẻ vang đó, đồng thời đào tạo trí thức ở trong công nông ra.
Lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức nước nhà đã truyền cảm hứng cho họ yên tâm, tự nguyện đóng góp, đổi mới, sáng tạo cống hiến tài năng và sức lực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Điều này, đã lý giải vì sao Người đã quy tụ được những nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, điển hình là các ông: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Phan Anh, Vũ Đình Tụng, Phạm Bá Trực, Vũ Đình Hòe,... Cũng vì cảm phục nhân cách lớn của Bác mà các nhà trí thức Việt Nam sang Pháp du học, mặ dù được người Pháp trọng dụng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để theo Bác về nước tham gia kháng chiến, phục vụ Tổ quốc như kỹ sư vũ khí Trần Đại Nghĩa, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước...
Đáp lại sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân cùng với đội ngũ trí thức cả nước, trí thức Quảng Trị đã phát huy truyền thống quê hương, năng lực, sở trường, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiến bộ, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất đạt kết quả cao. Các cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các quy trình, công nghệ vào sản xuất đối với các loại cây trồng, con nuôi mới, quý, có giá trị kinh tế cao được hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả. Công tác hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm đưa sản phẩm của Quảng Trị đến với thị trường trong nước và thế giới ngày càng nhiều. Yếu tố năng suất, chất lượng, hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm hàng hoá ngày càng tăng.
Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII xác định “Nghiên cứu xây dựng các chính sách địa phương để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như hỗ trợ khởi nghiệp; đổi mới sáng sạo; tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn thông tin, an ninh mạng; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số, công nghiệp văn hóa số, y tế, giáo dục - đào tạo... Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật liệu mới. Phát triển một số ngành sản xuất, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghệ mới. Nhân rộng các mô hình, tiến bộ khoa học đã được khẳng định hiệu quả. Thực hiện chương trình đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng, giữa nhà nghiên cứu với người sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm, hàng hoá... Đẩy mạnh ứng dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Áp dụng mạnh mẽ các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh; đa dạng hóa thành phần tham gia và đầu tư nguồn lực khoa học và công nghệ, nhất là từ nguồn lực từ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, công nghệ thông tin. Phát triển nguồn lực khoa học công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực, trình độ. Mở rộng hợp tác khoa học công nghệ với các tỉnh, thành, các nước trong khu vực nhằm tiếp thu công nghệ mới. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập”. Trí Ánh
[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 156, 235
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 156, 235