Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo 

Sinh ra trong một gia đình nhà nho trọng việc học, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng là một nhà giáo. Người luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, coi “giáo dục là cốt sách hàng đầu”, đồng thời, có những tư duy mới mẻ, đi trước thời đại về giáo dục.

Đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngay những ngày đầu thành lập nước, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới các cháu học sinh nhân ngày khai trường, gửi gắm tình cảm, sự tin yêu và hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Cũng trong suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”, do đó giáo dục đào tạo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Người chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ, đồng thời nhấn mạnh “cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục”, giáo dục trước hết là giáo dục đạo đức, bởi theo Người, “người tài mà không có đức là người bỏ đi”.

Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo, đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Bản thân Người đã từng là một nhà giáo. Năm 1910, sau khi thôi học tại trường Quốc học Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không cùng cha trở về Huế mà quyết thực hiện ý định “Đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Người đã dạy học ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết khoảng 4 - 5 tháng, sau đó mới vào Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tại trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học một số môn, nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc dạy học của Người ở đây không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh giáo dục phải dạy cho người học cách tự học, học tập suốt đời, “lấy tự học làm cốt”, “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Không chỉ bằng lời nói, chính bản thân Người thông thạo 7 ngoại ngữ1 bằng cách tự học. Sau này, khi trên cương vị cao nhất của Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, tuổi cao, sức khỏe giảm sút, Bác vẫn luôn không ngừng tự học tập, tìm hiểu tri thức, không ngừng truyền đạt, truyền bá tri thức tới cán bộ, Nhân dân và những người xung quanh. Người chính là tấm gương sáng về tinh thần tự học và học tập suốt đời.

Trong khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ non trẻ, một phần đất nước còn trong vòng nô lệ, người dân “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nhưng tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang tính đi trước, mở đường, mang tính thời đại. Việc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau khi đánh “giặc đói” là đánh “giặc dốt”, tức là nâng cao dân trí. Ngày nay, nhân loại đang bước vào một nền văn minh trí tuệ, một nền kinh tế tri thức thông qua việc đẩy mạnh xã hội học tập. Thực tế cũng chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển, thì tri thức càng trở nên quan trọng và là thế mạnh của các quốc gia, nhiệm vụ của giáo dục là tạo nên những thế hệ công dân có tri thức, có đạo đức, biết tự học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng. Và trong nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố truyền thống như tài nguyên, đất đai, nhân công,… mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là chất xám, là trí tuệ con người. Những nước giàu mạnh đều là những nước có nền giáo dục hiện đại, được đầu tư bài bản và có chiều sâu, là những nước có nền kinh tế tri thức phát triển. Việc cạnh tranh sự giàu mạnh của các nước cũng thể hiện ở nền kinh tế tri thức.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tạo nên một xã hội văn minh, ở đó con người phải có tri thức, có đạo đức, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Người đã thấy được bản chất của việc dạy và học là muốn hiệu quả, thực chất, phải tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học đó là huấn luyện khả năng tư duy của con người, phát huy năng lực riêng có của mỗi người. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Người phát hiện, khơi gợi và phát huy năng lực đó, không ai khác đó chính là ngành giáo dục. Ngày nay, ngành giáo dục Việt Nam cũng đang phải chuyển đổi các mô hình giáo dục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học, có những mô hình học chuyên biệt để người học lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở thích, sở trường của mình; mô hình giáo dục chuyên sâu./. Mai Diệu Linh (TH, nguồn Ban TGTW)

-----------------------

1. Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

 

48 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 432
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 432
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88616139