Chủ tịch Cuba mang thông điệp của G77 tới Đại hội đồng Liên hợp quốc 

Trên cương vị Chủ tịch Luân phiên của G77, Cuba sẽ đại diện cho nhóm này bảo vệ các lợi ích và yêu cầu chính đáng được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G77 và Trung Quốc, vừa diễn ra tại La Habana.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel ngày 17/9 đã đến thành phố New York của Mỹ để tham dự Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 (UNGA-78), bắt đầu từ ngày 19/9 với một Phiên Thảo luận Chung và Đối thoại Cấp cao về tài chính cho phát triển.

Trong thông cáo chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla nhấn mạnh ông Díaz-Canel sẽ mang tới (UNGA-78) thông điệp của Cuba và Nhóm Các nước Phát triển (G77).

Trên cương vị Chủ tịch Luân phiên của G77, Cuba sẽ đại diện cho nhóm này bảo vệ các lợi ích và yêu cầu chính đáng được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G77 và Trung Quốc, vừa diễn ra tại La Habana.

[Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc thông qua Tuyên bố Chung]

Với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người,” các đại biểu tham dự Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề thời sự nhất, như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ngăn ngừa đại dịch, giải giáp vũ khí hạt nhân...

Chủ tịch Díaz-Canel rời Cuba chỉ vài giờ sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G77 và Trung Quốc, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/9 với sự hiện diện của hơn 1.300 đại biểu từ 116 quốc gia, trong đó có 31 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, cùng đại diện của 12 tổ chức quốc tế uy tín.

Hội nghị Thượng đỉnh G77 và Trung Quốc đưa ra tuyên bố cuối cùng nêu bật những thách thức chính do trật tự kinh tế quốc tế hiện nay tạo ra và nhu cầu cấp thiết về cải cách toàn diện cấu trúc tài chính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn diện và phối hợp hơn trong quản trị tài chính toàn cầu.

G77 và Trung Quốc cũng bác bỏ việc áp đặt các luật và quy định có hiệu lực ngoài lãnh thổ cũng như tất cả các hình thức cưỡng chế kinh tế khác, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại các nước đang phát triển, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải loại bỏ những biện pháp này ngay lập tức.

Tuyên bố La Habana còn kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc tạo ra một môi trường cởi mở, công bằng, toàn diện và không phân biệt đối xử để phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các chiến lược nhằm chống chảy máu chất xám từ các nước phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

317 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 880
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 880
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87036104