Chủ động và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ như hiện nay thì hội nhập kinh tế quốc tế được xem là một xu thế tất yếu khách quan. Nó không chỉ có tác động tích cực, tạo ra các cơ hội mới cho sự phát triển mà còn là tiền đề quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Song không chỉ mang trong mình cơ hội mà tiến trình hội nhập còn đưa đến không ít thách thức. Đặc biệt với những nền kinh tế có trình độ phát triển còn thấp như Quảng Trị thì thường phải trả “cái giá” đắt hơn. Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng ta đóng cửa lại để từ bỏ con đường hội nhập với thế giới mà trái lại cần chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế để chuyển hóa những thách thức thành cơ hội.

Với điều kiện phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, lạc hậu, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế chưa cao, nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư còn kém hấp dẫn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị thực sự trải qua nhưng tháng năm trăn trở, tìm tòi những hướng đi, cách làm mới nhằm tháo gỡ khó khăn, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Chính trong những thời điểm thử thách đó, tỉnh nhận thức rất sâu sắc chủ động và tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế là hướng đi đúng đắn của địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh thời gian qua được thực hiện với những bước đi khá vững chắc, tạo nên những bước chuyển biến căn bản và bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng góp phần đưa địa phương từ một nền kinh tế kém phát triển đang phấn đấu đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện và chủ động nắm vững luật chơi trong sân chơi toàn cầu hóa. Nền kinh tế mở đang từng bước hình thành dần phá vỡ mô hình kinh tế khép kín trước đây, các quan hệ kinh tế, hàng hóa, vốn, tiền tệ, công nghệ, thông tin khoa học đang vận động một cách thông thoáng, chuyển giao liên tục. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu ổn định được định hình và ngày càng mở rộng, bước đầu phát huy các lợi thế so sánh của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp với trên 15 đơn vị hành chính đồng cấp của nước ngoài, gần 60 tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài và liên chính phủ, 20 nhà tài trợ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng hiệu quả hơn. Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai thực hiện 14 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 47 triệu USD; 46 chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án do các tổ chức NGOs tài trợ ước đạt gần 63 triệu USD và 26 dự án ODA với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thể hiện vững chắc niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư, cộng đồng tài trợ quốc tế đối với Quảng Trị. Công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc và tình hình chung trên tuyến biên giới giữa 3 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Salavan được tăng cường và giữ vững ổn định góp phần xây dựng biên giới Việt - Lào hoà bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển.

Tuy vậy so với yêu cầu, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Việc hoạch định chủ trương và chỉ đạo thực hiện trên thực tế còn có nhiều khía cạnh cần phải tiếp tục hoàn thiện để phát huy tối đa những lợi ích mà quá trình hội nhập đem lại. Tư duy hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm chuyển biến, phiến diện, ngắn hạn, cục bộ và thiếu sự chuẩn bị nên khó nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm lối ra hiêu quả và hướng đi đúng đắn. Tỉnh chưa tranh thủ được những cơ hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như những lợi ích mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, chuyển giao công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mà hội nhập mang lại. Bên cạnh đó,  tuy quá trình hội nhập đem đến nhiều lợi ích, cơ hội nhưng tất yếu song hành đưa tỉnh nhà đối diện với không ít thách thức, rủi ro, trước hết là sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm bởi sự cạnh tranh quyết liệt đã làm cho nhiều cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hay phải tiến hành tinh giảm biên chế; đặc biệt nếu lao động không có tay nghề, kỹ thuật sẽ đối diện với nguy cơ bị đào thải rất lớn. Do vậy, tỉnh cần có có những chiến lược tổng thể, tư duy dài hạn, chủ trương đúng đắn, khôn khéo và phương pháp linh hoạt, sáng tạo nhằm phá bỏ những rào cản của hội nhập kinh tế quốc tế đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Để thực hiện thắng lợi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra, tỉnh cần nhất quán quan điểm giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đề cao tính tích cực, chủ động, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hội nhập quốc tế; kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp theo phương châm lấy nội lực làm yếu tố có ý nghĩa quyết định, lấy ngoại lực làm yếu tố có ý nghĩa quan trọng. Đồng thời, hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo với tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhạy bén quán triệt và cụ thế hóa đường lối hội nhập thành các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó để tạo nền tảng vững chắc cho địa phương tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển, tỉnh cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường các liên kết kinh tế nhất là đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư ngoài nước cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư ra nước ngoài, phát triển chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề môi trường, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm an toàn xã hội.

Có thể nói, cơ hội và thách thức luôn song hành khi Quảng Trị xác định hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Thời đại luôn tiềm ẩn trong nó những thách thức và thách thức sẽ biến thành cơ hội trong những điều kiện cụ thể mà ở đó chúng ta luôn trong trạng thái chủ động đương đầu, không bỏ lỡ bất kỳ thời cơ nào. Những thành quả hội nhập kinh tế quốc tế hiện tại chỉ là những nỗ lực của quá khứ, quan trọng hơn hết là giá trị kỳ vọng tương lai được quyết định bởi chiến lược và lộ trình hội nhập phù hợp với bối cảnh thị trường và năng lực cốt lõi của địa phương. /.

                                                                                                                            Nguyễn Lan Hương - Sở KH & ĐT

955 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1314
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1314
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88995247