Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị. 

Những ngôi nhà tạm bợ tại cửa biển Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân,
tỉnh Cà Mau) thường xuyên bị sạt lở cần được sớm di dời vào các điểm, khu dân cư sinh sống
 ổn định. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

 

Chánh Văn Phòng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Văn Phú Chính đã đọc thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ nhân lễ kỷ niệm này trong đó nhấn mạnh: Thời gian tới, tình hình thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường và dữ dội hơn, đặt ra những thách thức to lớn cho đất nước. Chủ tịch nước đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phòng chống thiên tai; đưa nội dung phòng, chống thiên tai vào công tác quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của các cấp, các ngành; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương; đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữ các lực lượng; thực hiện tốt nguyên tắc chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng và hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, giảm bớt tác động tiêu cực do con người gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu bật thực trạng công tác phòng chống thiên tai tại địa phương, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Theo ông Văn Phú Chính, năm 2016, thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền trên cả nước, với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường. Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xác định tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương để đảm bảo sẵn sàng chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng tham mưu chỉ đạo, luôn luôn sẵn sàng tham mưu chính xác, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó một cách hiệu quả nhất; ban hành và đẩy mạnh triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia phòng chống thiên tai, kế hoạch phòng chống thiên tai của các Bộ, ngành, địa phương; phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai; lồng ghép phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương .

Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội, dịch vụ công tham gia vào công tác phòng chống thiên tai; đánh giá, kiểm tra thực trạng, tăng cường bố trí nguồn vốn đầu tư và các giải pháp đảm bảo an toàn công trình phòng chống thiên tai nhất là hệ thống cảnh báo, dự báo, đê điều, hồ đập, đảm bảo an toàn khu dân cư và các trung tâm kinh tế, chính trị và các công trình trọng điểm, công trình thi công. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho cộng đồng, rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai, thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai.

Một định hướng lớn được đưa ra là : Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt động theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ứng phó, chỉ đạo điều hành công tác phòng chống thiên tai; Phối hợp với các quốc gia trên thế giới trong công tác dự báo, phối hợp với các nước, vùng lãnh thổ có hoạt động kinh tế liên quan đến biển Đông trong ứng phó với bão, cứu hộ cứu nạn;.../. 
Thắng Trung/TTXVN