|
Nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn dịch bệnh tại Đồng Nai. (Ảnh: KV) |
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, từ đầu tháng 1/2020 đến ngày 24/2/2020, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch CGC (bao gồm 29 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1 gây ra) tại 10 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy hơn 100 nghìn con.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi. Đồng thời, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao. Việc tổ chức tiêm vắc xin CGC cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona (Covid-19) gây ra.
Triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm, thời gian qua, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Cục Thú y đã đi kiểm tra công tác phòng, chống CGC tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Trà Vinh. Ngoài ra, ngay từ đầu tháng 2/2020, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y thành lập các đoàn công tác kỹ thuật trực tiếp đến các địa phương có ổ dịch CGC, địa phương có nguy cơ cao để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng, chống CGC.
Đặc biệt, về công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, trong quý I/2020, lượng vắc xin CGC trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc xin CGC sản xuất trong nước đạt 200 triệu liều và nhập khẩu khoảng 300 triệu liều. Riêng tháng 12/2019, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất cấp miễn phí 4,5 triệu liều vắc xin CGC dự phòng hỗ trợ các địa phương có nguy cơ cao, địa phương xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC theo đúng quy định của Luật thú y, Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh CGC giai đoạn 2019 - 2025 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút CGC, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Mặt khác, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch CGC có hiệu quả./.