Chủ động thúc đẩy xuất khẩu khi thương mại toàn cầu suy giảm 

(Chinhphu.vn) - Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng cùng những tác động kém tích cực khác từ kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

 

Chính vì vậy, cán cân thương mại hàng hoá tháng 5 đã thâm hụt 1,3 tỷ USD và tính chung 5 tháng, Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD.

Để tạo thế chủ động trong phát triển kinh tế, Bộ Công Thương sẽ chủ động thay đổi các chính sách thương mại; triển khai giải pháp toàn diện và sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương nhằm định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cục Xuất Nhâp khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 5 của cả nước đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,71 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,79 tỷ USD, tăng 5,8%.

So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 tăng 7,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 10,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 5 có kim ngạch tăng so với tháng trước là dầu thô tăng 62,5%; giày dép tăng 20,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,6%; dệt may tăng 11%…

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 30,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,404 tỷ USD, tăng 4,7%, chiếm 69,9% (tỷ trọng giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, mặc dù xuất khẩu 5 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng có xu hướng tăng dần qua các tháng. Cụ thể, 2 tháng tăng 4,2%, 3 tháng tăng 5,3%, 4 tháng tăng 6,5% và 5 tháng tăng 6,7%. 

Đáng lưu ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nới rộng khoảng cách tăng trưởng so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Cũng theo các chuyên gia thương mại, tăng trưởng xuất khẩu qua 5 tháng chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm tới 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam) với 19 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công hàng xuất khẩu với tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm so với cùng kỳ, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm như Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore hoặc tăng nhẹ như Trung Quốc tăng 1,4% thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6,7% trong 5 tháng của Việt Nam có thể xem là một kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thương mại toàn cầu, nhất là sự leo thang về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chủ động các giải pháp

Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), mặc dù xuất khẩu thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm, song để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7-8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8-10%. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.

Nhưng với sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua là cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn gây ảnh hưởng tới cán  cân thương mại của Việt Nam.

Để phát triển kinh tế bền vững Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể và chủ động các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế cũng như quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ các cửa khẩu tránh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như: trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…

Ngoài ra, Bộ tập trung triển khai các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập một cách hiệu quả và bền vững hơn nhằm tăng cường sự tận dụng cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hơn nữa, ngành cũng tăng cường các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.  

Một giải pháp lớn nữa nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đang được Bộ Công Thương quyết liệt triển khai là tăng cường cơ chế trao đổi thông tin các cấp, chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời xử lý, ứng phó.

Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Bộ Công Thương chủ trương đổi mới toàn diện xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn. Từ đó, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam và hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: bạch trà, cà phê hòa tan, gạo hữu cơ, tiêu trắng... sang Trung Đông, Liên bang Nga và Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc phát triển một nền ngoại thương bền vững nói chung và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nói riêng đòi hỏi các giải pháp toàn diện và sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương, qua đó định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tốt chủ trương này.

Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với các Bộ ngành, địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện và có tham mưu chính sách một cách đồng bộ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo TTXVN

505 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 621
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 622
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86335895