Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đồng chí Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.

Năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành 8 Đề án lớn do Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng. Đây là những đề án quan trọng làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả quốc gia và một số vùng, địa phương trọng điểm, với diện rộng và đa dạng các vấn đề quan trọng như nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Các chủ trương, đường lối được Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành trong năm 2019 không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; định hướng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững mà còn góp phần tăng cường vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cho xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Các đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng có phạm vi rất rộng, nội dung phức tạp về lý luận và thực tiễn, đề cập đến những vấn đề rất quan trọng về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

Ban Kinh tế Trung ương chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tích cực nghiên cứu, xây dựng một số đề án khác để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã có 117 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến chuyên môn về nhiều đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Các ý kiến thẩm định, tham gia của Ban Kinh tế Trung ương luôn có chất lượng tốt, thể hiện quan điểm rõ ràng và có trách nhiệm đối với các nội dung đề nghị thẩm định, tham gia ý kiến để giúp cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở xem xét, quyết định, nhất là các vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm.

 Đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định những kết quả quan trọng của Ban Kinh tế đạt được trong thời gian qua

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội được Ban Kinh tế Trung ương chú trọng triển khai để kịp thời nắm bắt thực tiễn, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội.

Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong cả hai Tiểu ban: Văn kiện và Kinh tế - xã hội. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đi nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế tại nhiều địa phương...

Cùng với đó, Ban Kinh tế Trung ương chủ động nghiên cứu, báo cáo Thường trực Ban Bí thư: Kết quả đánh giá quản lý đầu tư công tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế PIMA và kết quả công tác phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong việc triển khai công cụ PIMA tại Việt Nam; Báo cáo chuyên đề "Tác đông của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và đối sách của ta trong thời gian tới”. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng Đề án “Tổng kết, phổ biến và nhân rộng một số mô hình mới, chính sách thí điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội” nhằm góp phần thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo trong toàn quốc, phát huy trí tuệ, sáng kiến của toàn xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời là cơ sở để nghiên cứu, tiếp tục thể chế hóa và hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi các thành phần kinh tế phát triển theo đúng định hướng.

Tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, đánh giá tình hình thực hiện một số nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội vùng để chuẩn bị các điều kiện tiến tới tổng kết việc thực hiện một số chủ trương, đường lối của Đảng...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đánh giá cao những kết quả mà Ban Kinh tế Trung ương đạt được trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương luôn phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương chính sách giúp Trung ương Đảng ta lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Đặc biệt các đồng chí luôn bám sát thực tiễn, tư duy nhạy bén, sáng tạo để tham mưu, đề xuất với Trung ương đường lối đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế đóng góp nhiều công sức, trí tuệ đưa đất nước phát triển” – Thủ tướng nêu rõ.

Phân tích bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục có biến động khó lường, những thách thức và thuận lợi đan xen đối với sự phát triển của đất nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng các ban xây dựng Đảng, đặc biệt là Ban Kinh tế cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ cần đoàn kết cùng vượt khó, phối hợp tốt hơn nữa để đưa đất nước tiến lên.

Trong đó, về vấn đề kinh tế-xã hội, Thủ tướng nêu nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy.

“Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là “bình mới rượu cũ”, không thể có đột phá. Những tư duy mới của Đảng ta về xây dựng kinh tế trong thời kỳ mới có dấu ấn lớn mà Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trong thời gian qua phải được tiếp tục phát huy. Trước đây chúng ta có Khoán 10, Chỉ thị 100 trong nông nghiệp. Gần đây là Nghị quyết 10, 11, 12, 52 và một số nghị quyết ban hành năm 2019 là những gì được gọi là đổi mới tư duy về kinh tế, một điều hết sức quan trọng đối với nước ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tinh thần chung là phải chủ động tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019. Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, bám sát thực tiễn với tinh thần tích cực chủ động sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cực kỳ quan trọng; là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Những kết quả và kinh nghiệm đã có thời gian vừa qua đã đạt được, đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải tiếp tục nhân rộng, phát huy, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đề xuất xây dựng các chương trình chiến lược, các đề án cũng như góp ý vào những văn bản quy phạm pháp luật hướng đến mục tiêu chất lượng cao hơn, mang tầm chiến lược khác với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu thực tiễn trong thời đại công nghệ.

Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược đất nước cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2020, chẳng hạn như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, cuộc sống con người.

Thủ tướng cũng lưu ý, công nghiệp hóa là điều kiện căn bản để hiện đại hóa đất nước, tự cường về kinh tế và đem lại phúc lợi cho người dân. “Giai đoạn tới, cần chiều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa thế nào, nhất là trong cam kết chống biến đổi khí hậu của ta với thế giới? Nước ta là một quốc gia biển, 28 tỉnh thành giáp biển, như vậy ngành kinh tế không chỉ phát triển bền vững, mà còn phải gắn liền hơn với tài nguyên biển. Như vậy, đường lối phát triển kinh tế biển như thế nào để tạo động lực, tiềm năng kinh tế biển rất lớn như nước ta?” – Thủ tướng nêu gợi ý.

 Hình ảnh tại Hội nghị

Thủ tướng cho rằng, làm sao tận dụng được cơ cấu doanh thu vào cho phát triển? Có cách nào để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tầng lớp trung lưu và các tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước? Cơ chế đột phá nào để thúc đẩy kinh tế vùng làm cho các vùng kinh tế không bị “cát cứ” như thời gian qua? Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương đã thẳng thắn nhận định: “đã làm kinh tế vùng rất quyết liệt, nhưng mà chưa thành công”, thậm chí những vùng có đặc điểm tương đối giống nhau như Đồng bằng sông Cửu Long nhưng mà vẫn “cát cứ”, không có sự phối hợp.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần có những phương thức tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số làm sao để cuộc cách mạng này lan tỏa, rộng khắp, mạnh mẽ. Chúng ta đang phấn đấu tăng trưởng 20%, 30 % nền kinh tế số. Điện thoại thông minh hiện giờ phổ cập khắp Việt Nam, nhưng sử dụng để thanh toán, truy xuất nguồn gốc thì chúng ta chưa làm được.

Vấn đề mô hình đặc khu kinh tế đã giúp nhiều quốc gia vươn lên, nhanh chóng tham gia vào nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển. Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào? Mô hình nào chúng ta có thể áp dụng để tìm ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta. Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Hay những lần biểu tình, phản đối khi chúng tôi trình luật đặc khu ra là vì chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa hướng dẫn tốt. Trên thế giới, những mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình chúng tôi nghĩ rằng cần tiếp tục nghiên cứu tốt hơn. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ nghiên cứu, xử lý vấn đề này.

Những vấn đề đang có nhiều vướng mắc, bất cập như quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý tài chính công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển mô hình kinh tế tập thể,… cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm lời giải tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường thì chúng ta định vị Việt Nam như thế nào trong quan hệ phức tạp đó. Việc này rất quan trọng vì chiến lược phát triển kinh tế không thể tách rời vấn đề an ninh quốc phòng, chính sách đối ngoại, quan hệ đa phương. Chúng ta không coi nhẹ nước nào, không phụ thuộc nước nào trong thương mại, chúng ta hướng đến một nền kinh tế tự cường Việt Nam.

Với vai trò tham mưu, góp ý vào những dự thảo văn kiện quan trọng mà các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII đang xây dựng, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chủ động tích cực tham gia đóng góp cả về lý luận, thực tiễn, phát triển nhân tố mới, những mô hình tốt, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực của việc chuẩn bị cho Đại hội nói chung, trong đó có việc hoàn thiện các văn kiện của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội./.

 
Hiền Hòa