Chủ động, sáng tạo để nâng cao hiệu quả hợp tác với khu vực Trung Đông - châu Phi 

(ĐCSVN) - Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và cùng chung khát vọng về độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi còn nhiều dư địa và tiềm năng để tạo thêm động lực mới, đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Thế giới năm 2022 trải qua nhiều biến động lớn, phức tạp, với nhiều diễn biến vượt ngoài dự báo, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Trung Đông - châu Phi nổi lên là khu vực với xu thế hòa dịu giữa các quốc gia gia tăng, với nhiều nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia châu Phi, đặc biệt khu vực Nam Sahara, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, bất ổn về chính trị - xã hội và tác động của biến đổi khí hậu...

Để thích nghi với tình hình đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế bền vững, nhiều nước Trung Đông – châu Phi đang tích cực cải cách kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, mở rộng thị trường. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước Trung Đông – châu Phi trong năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, với nhiều điểm sáng nổi bật như:

Tổng thống Sierra Leone và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam (3/2022)

Thứ nhấtquan hệ chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè truyền thống khu vực được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất, với 31 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Bộ Ngoại giao, tăng gấp đôi so với năm 2021[1]. Nổi bật là các chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Sierra Leone[2], Tổng thống Uganda, Chủ tịch Quốc hội Mozambique[3] cũng như việc nối lại các hoạt động trao đổi đoàn với các đối tác quan trọng của khu vực như Saudi Arabia, Qatar, Jordan, Nigeria,...

Về đa phương, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm và ghi nhiều dấu ấn quan trọng như thiết lập quan hệ với Liên minh châu Phi (AU), lần đầu tiên triển khai lực lượng công binh gồm 184 sĩ quan tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại khu vực Abyei (UNISFA). LHQ và các nước châu Phi đánh giá cao Việt Nam về đóng góp trách nhiệm trong nỗ lực kiến tạo hòa bình khu vực. Các nước Trung Đông – châu Phi cũng đề cao vai trò, vị thế quốc tế và tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các tổ chức quốc tế, như được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025... 

Thứ hai, nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, mở ra nhiều hướng đi mới. Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ban, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030, được địa phương và doanh nghiệp đánh giá cao, nhằm góp phần khai mở thị trường mới tiềm năng với tổng quy mô dự kiến đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2024.

Nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập hiệu quả vào các thị trường tiềm năng trong khu vực với các sản phẩm như gạo, điều, nông, thủy sản, du lịch… đã được triển khai mạnh mẽ, đưa hợp tác với khu vực đi vào chiều sâu, thực chất. Số lượng các hoạt động ngoại giao kinh tế đã tăng 1,75 lần so với năm 2021, qua 28 văn kiện được ký kết với các nước khu vực, trong đó có nhiều nội hàm kinh tế. Kim ngạch thương mại năm 2022 giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – châu Phi đạt 25 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021.

Việt Nam đã thu hút 637 dự án đầu tư từ các nước Trung Đông – châu Phi với tổng vốn đăng ký đạt 4,12 tỷ USD và đầu tư vào 37 dự án tại khu vực với tổng vốn đăng ký là 2,6 tỷ USD. Các dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tích cực xây dựng hình ảnh phát triển năng động của đất nước, doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp chung vào sự phát triển của khu vực. Việt Nam đã tích cực vận động một số đối tác tiềm năng như Saudi Arabia và Kuwait… cung cấp vốn vay ưu đãi cho một số dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực khó khăn của Việt Nam.

Hợp tác phát triển cũng là điểm sáng trong quan hệ khi Việt Nam bước đầu nối lại thành công kênh hợp tác phát triển, hợp tác Nam – Nam với khu vực thông qua dự án nông nghiệp ba bên Việt Nam - Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) - Sierra Leone về phát triển lúa gạo do FAO tài trợ trị giá 5 triệu USD.

Thứ ba, ngoại giao văn hóa và tuyên truyền đối ngoại với khu vực đã được thúc đẩy với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, góp phần quảng bá về sự đổi mới, phát triển năng động của đất nước, con người và bề dày lịch sử, văn hóa của Việt Nam tới bạn bè khu vực, nổi bật là việc khánh thành cổng Việt Nam tại Morocco, quảng bá và tổ chức các giải võ cổ truyền Vovinam tại Algeria; đồng thời cũng thông tin về sự phát triển văn hóa, kinh tế xã hội của khu vực tới người dân Việt Nam như triển lãm ảnh Angola, quảng bá di sản văn hóa Iran tại Việt Nam…

 Triển lãm ảnh “Angola - một đất nước phi thường” do Đại sứ quán Cộng hòa Angola tổ chức từ ngày 4/11 – 11/11/2022 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội .

Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều yếu tố bất định; kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, tìm hướng đi mới, cách làm mới, để đưa quan hệ với các nước khu vực Trung Đông – châu Phi đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, thực chất và góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Ngoại giao xác định triển khai một số trọng tâm hợp tác với các nước khu vực theo hướng sau:

Một là, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao với các kết quả cụ thể; triển khai thực chất, hiệu quả Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – châu phi trong năm 2023 và các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế song phương và đa phương với khu vực; đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thiết lập quan hệ ngoại giao, củng cố, kiện toàn mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao cũng như khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực.

Hai là, đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, trong đó chủ động triển khai tích cực Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm xác định các mục tiêu, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để đưa hợp tác với các nước khu vực đi vào chiều sâu, hiệu quả theo các trọng tâm về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, du lịch, lao động…; thúc đẩy nghiên cứu, đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác thương mại, đầu tư, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với các đối tác, quan trọng tiềm năng (Israel, UAE…); đẩy mạnh thu hút đầu tư hiệu quả từ các Quỹ đầu tư lớn khu vực trên cơ sở xác định rõ nhu cầu của các bên, hỗ trợ xúc tiến đầu tư hai chiều; tổ chức hiệu quả các hoạt động, kế hoạch xúc tiến, kết nối Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng khu vực, ưu tiên các lĩnh vực, ngành hàng và các địa phương cụ thể; hỗ trợ mở rộng hoạt động và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư, kinh doanh tại khu vực.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác phát triển trên cơ sở mô hình hợp tác nông nghiệp ba bên với Sierra Leone, tích cực thúc đẩy các dự án tương tự với một số nước châu Phi khác và nghiên cứu khả năng nhân rộng mô hình này sang hợp tác ba bên hoặc nhiều bên với các lĩnh vực khác.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có đủ năng lực đảm nhận và đóng góp tích cực đối với các trọng trách quốc tế, các vấn đề chung toàn cầu, đặc biệt thông qua việc tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại châu Phi và các nhiệm vụ nhân đạo quốc tế khác. Việc Việt Nam mới đây chủ động cử hai đoàn cứu hộ, cứu nạn để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả sau động đất kịp thời, hiệu quả đã được Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; sớm cử đại diện bên cạnh AU và phối hợp chặt chẽ với các nước Trung Đông – châu Phi để bảo vệ các giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển tại các cơ chế đa phương và quốc tế. 

Bốn là, đổi mới trong công tác ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyềntổ chức hiệu quả các tuần, ngày Việt Nam, trao đổi đoàn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thông qua các hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các đối tác khu vực quan trọng; đẩy mạnh công tác thông tin - tuyên truyền hai chiều với các hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù khu vực, trong đó chú trọng xây dựng trang thông tin bằng tiếng địa phương và tăng cường quan hệ với cơ quan truyền thông sở tại, tận dụng truyền thông số để quảng bá và tăng cường thông tin hai chiều, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước khu vực.

Năm là, chủ động, tích cực tham mưu, dự báo, quán triệt phương châm nghiên cứu là “gốc” của công tác đối ngoại, tập trung vào tình hình nội trị, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, nhất là các xu hướng, chính sách mới có thể tác động đến môi trường phát triển của Việt Nam như xu hướng hòa dịu, tự chủ chiến lược, cạnh tranh nước lớn, chuyển dịch môi trường đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng (tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư…).

Sáu là, chú trọng hơn nữa đến công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, sẵn sàng trước các vấn đề phát sinh bất ngờ, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ, phục vụ, lấy sự hài lòng của công dân làm thước đo hiệu quả. 

Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và cùng chung khát vọng về độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi còn nhiều dư địa và tiềm năng để tạo thêm động lực mới, đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới./.


[1] Năm 2021 có tổng cộng 16 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

[2] Chuyến thăm “xông đất” đầu tiên 2022 của Nguyên thủ nước ngoài.

[3] Kể từ khi Việt Nam và các nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

 
Phạm Quang Hiệu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
576 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 742
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 742
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199049