Vậy giải pháp ứng phó với nắng hạn và biến đổi khí hậu của Quảng Trị ra sao? NNVN có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị về vấn đề này.
|
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị |
Hạn trên diện rộng
Ngành NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo, điều hành việc ứng phó với hạn hán ra sao, thưa ông?
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã cảnh báo trong thời gian tới, không riêng tỉnh Quảng Trị, mà các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn có khả năng xảy ra 1 đến 2 đợt nắng nóng với thời gian và cường độ gay gắt tương đương với đợt nắng nóng vừa kết thúc.
Thực tế cho thấy tỉnh Quảng Trị bước vào sản xuất vụ HT 2018 trong điều kiện thời tiết khí hậu có nhiều bất thuận, đặc biệt trời không mưa và nắng hạn kéo dài từ giữa tháng 5 đến nay. Gió Tây Nam khô, nóng với cấp độ cấp 6, 7 giật liên tục nên lượng ở các hồ chưa và mặt đất bị bốc hơi rất lớn. Vì vậy đã xảy ra khô hạn trên diện rộng, xâm nhập mặn ở nhiều vùng, trong đó tập trung lớn nhất là hai huyện Cam Lộ và Gio Linh. Ước tính ban đầu có hơn 800ha lúa HT bị ảnh hưởng.
Đến nay, vụ sản xuất HT 2018 Quảng Trị cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh gieo cấy được 22.000ha lúa. Để chủ động ứng phó với nắng hạn và bất thường của thời tiết, ngay từ đầu vụ Sở NN-PTNT đã khuyến khích các địa phương sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, chất lượng cao; chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sang sản xuất cây trồng cạn, trồng các giống ngô lai, giống lạc mới…
Có gần 4.000 ha đất lúa thiếu nước tưới được bà con nông dân chuyển sang trồng hoa màu, cây trồng cạn phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nắng hạn làm cho không chỉ cây lúa bị ảnh hưởng khô hạn, mà hàng ngàn ha là diện tích cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu cũng bị giảm sản lượng, mất mùa.
Theo tính toán cân đối nguồn nước thì ước tính có gần 3.000 ha lúa HT 2018 thiếu nước tưới về cuối mùa. Diện tích này sẽ còn tăng lên trong điều kiện nắng nóng gió Tây Nam xảy ra khốc liệt, trong đó các địa phương có nguy cơ khô hạn nặng nhất là huyện Gio Linh hơn 550 ha, Vĩnh Linh 400 ha, Đakrông 200 ha, Cam Lộ 100 ha...
Trong lúc đó, lượng nước trong các hồ chứa thiếu hụt 20 đến 30% so với trung bình nhiều năm, mực nước các sông xuống thấp, mặn xâm nhập cao. Cty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị đã lên phương án tưới nước khoa học, tiết kiệm để đủ tưới cho lúa vào thời điểm cần thiết. Linh hoạt trong các phương án tưới nước phù hợp, triển khai biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn, tích trữ nước, hạn chế mức thấp nhất việc thiếu nước tưới làm ảnh hưởng đến năng suất vụ HT.
|
Hồ chứa nước Nghĩa Hy Cam Lộ cạn nước |
Biến đổi khí hậu cũng làm thời tiết diễn biến thất thường nên Sở NN-PTNNT Quảng Trị chỉ đạo các huyện, thị phấn đấu hoàn thành thu hoạch vụ HT 2018 trước 30/8, chậm nhất đến 5/9, để tránh lũ lụt sớm vào cuối vụ.
Cần giải pháp đồng bộ
Thưa ông, thời tiết nắng hạn khắc nghiệt cùng với BĐKH ngày càng trầm trọng. Vậy theo ông đâu là các giải pháp dài hạn ứng phó với BĐKH Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung từ nay đến 2020?
Vấn đề nắng hạn và BĐKH ngày càng trầm trọng đã tạo cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng phát thải các-bon thấp, bền vững. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong vùng ứng phó với BĐKH, ở miền Trung, nhất là vùng nắng hạn Quảng Trị thì ứng phó với BĐKH cần các giải pháp sau:
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng thích ứng với BĐKH. Phát triển các giống cây trồng có khả năng chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt. Tăng cường các ngân hàng giống, phát triển các giống cây trồng mới, các giống chịu hạn, các giống có biên độ sinh thái rộng. Quy hoạch và tăng cường quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phù hợp. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở những vùng không có khả năng sản xuất hoặc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Tăng cường quản lý nguồn nước. Phát triển và nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi và hiệu suất tưới. Điều chỉnh thời vụ sản xuất và thay đổi kỹ thuật canh tác. Kiểm soát xói mòn bằng khuyến khích các hoạt động bảo toàn nông nghiệp, nhất là ở vùng núi, nơi sản xuất nông nghiệp phát triển trên các sườn đất dốc.
|
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra hệ thống kênh mương chống hạn ở Quảng Trị |
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Phát triển và mở rộng rừng bằng các chính sách tín dụng ưu đãi. Đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng, chống suy giảm rừng tự nhiên. Khuyến khích các hoạt động nông lâm kết hợp, phát triển rừng FSC bền vững. Thực hiện quy hoạch lại các loại rừng. Khuyến khích kiểm soát ảnh hưởng ô nhiễm không khí đối với rừng. Khuyến khích các giải pháp sử dụng rừng hỗn hợp, là những loại rừng có tính thích ứng linh hoạt hơn với BĐKH, chú ý phát triển các giống cây rừng trồng chịu nhiệt, chịu hạn. Tăng cường các ngân hàng giống cây trồng, chú ý các giống nhiệt đới, quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Giảm bớt các mảnh rừng chia cắt.
Đối với lĩnh vực ngư nghiệp: Thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên thủy sản gắn với quản lý tổng hợp nguồn nước. Phát triển các giống thủy sản có khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt. Phát triển năng lực bảo tồn và nhân giống thủy sản, đồng thời hạn chế việc khai thác triệt để quá mức cho phép.
Xin cảm ơn ông!
"Các giải pháp ứng phó với nắng hạn, BĐKH phải có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn và các quy định địa phương, quốc gia, quốc tế, dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và kiến thức bản địa. Phải tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội và các yếu tố rủi ro, bất định của BĐKH gây ra", ông Võ Văn Hưng. |
LÂM QUANG HUY