Chủ động nguyên liệu trong nước để 'hạ nhiệt' giá thức ăn chăn nuôi 

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhập khẩu (NK) nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, gây áp lực lớn lên giá thức ăn chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

"Hạ nhiệt" nhập khẩu thức ăn chăn nuôi bằng chủ động nguyên liệu trong nước   - Ảnh 1.

Cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhập khẩu tăng 8,6%

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.

Đáng chú ý là, giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng với khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch COVID -19 và xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh thời gian dài. Cục Chăn nuôi thông tin: Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành sản xuất. Hậu quả là không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí phải "treo" chuồng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội cho biết: "Hà Nội có đàn gia cầm khoảng 37-39 triệu con, đàn lợn khoảng 1,5 triệu con, đàn trâu bò 164.000 con. Hai năm qua, giá thức ăn tăng 17 lần khiến người chăn nuôi không tính được đầu vào, đầu ra, khá bị động".

Ở thời điểm trước mắt, ông Sơn cho rằng, việc nhiều nông hộ tận dụng, phối trộn thức ăn là một giải pháp hiệu quả giúp giảm chi phí giá thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phối trộn, tận dụng này chỉ phù hợp với chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ và vừa còn chăn nuôi công nghệ cao thì khó áp dụng.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phân tích: Trong hệ thống chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 65 – 70% chi phí sản xuất. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, có công nghệ sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào cho hệ thống sản xuất mới là quan trọng. Năm 2021, sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần sử dụng lên đến 33 triệu tấn, trong đó 65% phụ thuộc nhập khẩu. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào NK.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.

Trợ lực phát triển nguồn nguyên liệu nội địa

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó có nội dung hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Liên quan tới vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh cho biết: Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện; dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt cuối năm nay.

Trong dự thảo Nghị định có đề cập một số điểm rất quan trọng về mặt hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Điển hình như, đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã khi tham gia sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 50% về tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó, không vượt quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu gồm: Xây dựng đường giao thông nội vùng, vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như là sản phẩm, hệ thống thủy lợi, điện, có khu vực tập kết nguyên liệu.

Bên cạnh đó, nếu các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mua các loại giống mới, đặc biệt giống có năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%, đối đa 100 triệu đồng. Khi đầu tư vào vùng nguyên liệu, điều khó khăn nhất là làm sao có diện tích lớn để cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách sẽ hỗ trợ 50% chi phí để thu gom đất nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 1 tỷ đồng.

"Một chính sách nữa rất quan trọng phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp là hỗ trợ cho các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đó, các DN có dự án nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án", ông Chinh nói.

Đỗ Hương

579 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 558
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 559
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88727853