Chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào các dự án BOT ngay từ đầu 

(Chinhphu.vn) – “Ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả cơ quan Công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án”.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán các dự án BOT giao thông từ nhiều năm nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây là phần khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trước ý kiến của ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) về việc “Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân”.

Bộ trưởng cho biết, gần như 100% dự án BOT đều được được kiểm toán. Ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả cơ quan Công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án.

Ngay sau đó, Đại biểu Bùi Văn Phương bấm nút xin tranh luận: "Bộ trưởng vừa trả lời là Bộ không hề né tránh kiểm toán các dự án BOT giao thông mà chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Có lẽ trả lời của Bộ trưởng không chính xác vì tôi đang ngồi cạnh Tổng kiểm toán Nhà nước. Bộ chỉ mời 3 dự án là Hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn. Trước đó, Bộ cũng đồng ý với Bộ KH&ĐT là không kiểm toán các dự án BOT giao thông".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư chủ động mời Kiểm toán Nhà nước ngay từ đầu. Kiểm toán Nhà nước đã vào 50 - 60 dự án BOT.

“Tôi xin nói rõ là ngay từ đầu chúng tôi đã yêu cầu các nhà đầu tư, không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng việc này. Một số dự án có vấn đề, dư luận đặc biệt quan tâm thì Bộ chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào phối kết hợp làm rõ hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến con số mà ĐBQH Bùi Văn Phương nêu về việc sau khi Kiểm toán vào đã rút ngắn hơn 222 năm thu phí của các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết: Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, Bộ GTVT sẽ quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí.

“Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Chúng tôi đã giải trình một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi thêm với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngày 28/4/2014, Bộ GTVT đã có văn bản số 4771/BGTVT-TC gửi Kiểm toán Nhà nước về việc đề nghị kiểm toán các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Mục đích của việc đề nghị kiểm toán này, theo Bộ GTVT là nhằm giúp các chủ đầu tư/BQL dự án và các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh các tồn tại ngay trong quá trình thi công, tuân thủ các quy định quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thi công; qua đó nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án, công khai minh bạch trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Ứng dụng công nghệ vào giám sát thu phí

 

Đối với vấn đề minh bạch thu phí tại các dự án BOT, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về việc cách tính định mức giá thu phí và đặc biệt là cách thức công khai lưu lượng xe đi lại qua các trạm BOT. Đại biểu nêu câu hỏi “việc công khai thông tin này được tiến hành ở đâu, bằng phương thức nào để người dân dễ tiếp cận, theo dõi và giám sát?”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với các dự án BOT hiện nay Bộ GTVT khẳng định 2 việc.

Thứ nhất, đầu vào (quyết toán dự án BOT) phải đảm bảo công khai minh bạch. Thời điểm này, 62 trạm BOT đã được quyết toán. Tồn tại còn lại thường liên quan đến giải phóng mặt bằng của các địa phương. Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các địa phương để làm rõ hơn chi phí này. Bộ trưởng khẳng định “chúng tôi có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét công tác quyết toán từng dự án”.

Thứ hai, đầu ra là công tác thu phí. Việc này cần giám sát chặt chẽ, để người dân nộp số tiền đúng như nhà đầu tư đã đầu tư. Việc này hiện kiểm tra bằng phương pháp thủ công.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm toán việc thu phí, xem xét, rà soát việc thu phí của trạm BOT. Bộ GTVT đang thực hiện đồng thời 2 giải pháp giám sát thu phí.

Cụ thể, hiện từng trạm đều có phần mềm thu phí. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ kết nối số liệu này với các cơ quan chức năng của nhà nước để giám sát. Toàn bộ việc thu phí của trạm BOT sẽ được báo cáo tự động. Ngoài ra, mỗi trạm có 1 - 2 làn thu phí thủ công để phục vụ xe ưu tiên, xe nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy sẽ phát sinh thêm một số lượng ít về doanh thu liên quan đến thu phí thủ công.

Cuối năm nay, tất cả các trạm có hệ thống bố trí camera xem xét lưu lượng từng giờ, từng ngày. Sắp tới, chúng ta lấy số liệu này, kiểm tra trong một ngày, một tuần để đối chiếu doanh thu doanh nghiệp cung cấp. Việc thu phí, xác định hoàn vốn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều.

Phan Trang

 
256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1902
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1902
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76444521