Chủ động kế hoạch sản xuất để nuôi tôm hiệu quả 

(ĐCSVN) - Để cung cấp đủ sản lượng cho chế biến và xuất khẩu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả.

 

 Khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất để nuôi tôm hiệu quả (Ảnh: B.T)

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước 6 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 656 nghìn ha (tăng 6,4% so với cùng kỳ), sản lượng đạt khoảng 467 nghìn tấn (tăng 4,1% so với cùng kỳ).

Mặc dù kết quả sản xuất đạt và vượt kế hoạch đối với diện tích và sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 1,56 tỷ USD. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường sụt giảm, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, thức ăn thủy sản tăng trong khi giá bán tôm nguyên liệu liên tục giảm từ tháng 4 năm 2023 đến nay, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi khi quyết định giảm quy mô hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm các tháng cuối năm 2023. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khả năng không đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục dần vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo yếu tố lạm phát giảm, lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dự báo cũng tăng dần vào cuối năm, chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang các thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.

Dấu hiệu khả quan từ một số thị trường nhỏ như: Hồng Kông (Trung Quốc), Thụy Sĩ,… có sức mua tốt hơn do không có hàng tồn kho cũng góp phần làm tăng cơ hội xuất khẩu vào cuối năm.

Để ổn định sản xuất, cung cấp đủ sản lượng cho chế biến và xuất khẩu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục chỉ đạo linh hoạt các giải pháp triển khai kế hoạch phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023 tại thông báo kết luận số 1626/TB-BNN-VP ngày 23/3/2023. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch; tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm lúa, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao... để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất; quản lý chặt chẽ trước hiện tượng đại lý thu mua tung tin thất thiệt, ép giá người nuôi.

Cục Thủy sản đề nghị các địa phương tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện. Quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp (các phân khúc sản phẩm, đa dạng chủng loại phù hợp với nhu cầu tiêu thụ khác nhau trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu) để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, thực hiện cam kết giữa các bên trong chuỗi sản phẩm thủy sản để chủ động kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tận dụng một cách hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong sản xuất. Thực hiện các biện pháp nhằm tăng sản lượng tôm nuôi, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

Đối với các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long, duy trì ổn định diện tích thả nuôi tôm sinh thái, tôm lúa, tôm rừng, tôm quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi và kiểm soát tốt các khâu sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật và giám sát người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao, đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý.

Các tỉnh miền Trung và miền Bắc tập trung nuôi tôm chân trắng cao triều theo hình thức công nghiệp, thâm canh áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, chủ động sản xuất trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn đối với bão, lũ và biến động môi trường đột ngột./.

 

 
B.T
285 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 959
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 959
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87183323