Chủ động hội nhập kinh tế sẽ biến thách thức thành cơ hội 

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc lại tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập năm 1945 để nói về cách thức Việt Nam đối phó với những thách thức và tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế ngày ngày nay.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Chung 
Sáng nay, 4/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế chủ trì Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ 2 năm 2018 với sự tham dự của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, sứ quán và cộng đồng doanh nghiệp.

Như tin đã đưa, các diễn giả đều khẳng định Việt Nam có những bước đi về hội nhập rất thành công, nhất là hội nhập quốc tế về kinh tế, đóng góp lớn cho thành tựu kinh tế-xã hội trong 30 năm đổi mới và những năm gần đây.

Hiện, Việt Nam là thành viên của nhiều diễn đàn ở cấp khu vực và toàn cầu, vì vậy, theo TS. Vũ Duy Khương của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), bất cứ biến động nào của kinh tế, địa chính trị của khu vực và thế giới đều có tác động ngay lập tức đến nền kinh tế của Việt Nam.

Trong diễn biến đó, các chuyên gia từ Ngân hàng thế giới (WB), Bộ Công Thương,... cho biết, mặc dù hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra tại Argentina vừa qua có nhiều tín hiệu quả khả quan, nhưng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất định; thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những phương thức quản lý, kinh doanh có tính chất “phá hủy” các phương thức cũ, nhưng đi kèm với “rủi ro” phi truyền thống liên quan tới chủ quyền kinh tế số, an ninh mạng ngày càng tăng lên.

Các diễn giả cho rằng, tình hình thế giới, khu vực hiện nay mang lại những cơ hội lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong củng cố nội lực, bảo đảm “chủ quyền” của đất nước trong kinh tế, không bị lệ thuộc vào các quốc gia khác.

Bày tỏ đồng tình với những nhận định, khuyến cáo của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi “Chính phủ sẽ phải ứng xử thế nào?” đồng thời cho rằng: “Tích cực, chủ động hội nhập với bên ngoài theo đúng chủ trương của Đảng và cải cách thể chế mạnh mẽ từ bên trong để tiếp tục hội nhập thành công, củng cố nội lực quốc gia, khơi dậy khát vọng và nỗ lực sáng tạo của cá nhân, nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm”.

Đây là mục tiêu “bất biến” để “ứng vạn biến” là những thách thức từ tình hình thương mại đầu tư quốc tế, sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội và tận dụng triệt để những cơ hội từ bên ngoài mang lại.

 

Ảnh: VGP/Thành Chung

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới việc Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế ở trong nước trong dài hạn, định vị được vị trí của Việt Nam trên toàn cầu và hướng phát triển trong tương lai chứ không chỉ trong ngắn hạn.

Để có những bước đi vững chắc trong dài hạn, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đặt nhiệm vụ ổn định vĩ mô lên hàng đầu, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là hệ thống tài chính và ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.

Đồng thời xác định chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới thông qua các động lực tăng trưởng mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng và vận tải thông minh, công nghệ tài chính…

“Muốn đi nhanh, đi xa và quan trọng là đi về đích thì phải đi cùng nhau. Người Việt Nam hoàn toàn có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế thì không chỉ phải đi cùng nhau mà còn phải hợp tác với các quốc gia khác trong dòng chảy đa phương, cân bằng thương mại”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

 

 Cân bằng thương mại Việt-Mỹ trên cơ sở quyền lợi của doanh nghiệp

Tại diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Dương Quốc Anh nêu ra vấn đề với các diễn giả về mất cân bằng thương mại Việt Nam-Mỹ, liệu Việt Nam có gặp phải các biện pháp phòng vệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này không như đang áp dụng với Trung Quốc?

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2017, Mỹ thông báo Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 38,2 tỷ USD, còn con số này từ phía Việt Nam tính toán là 33,4 tỷ USD. Số liệu khác nhau là do Mỹ tính giá xuất khẩu theo giá CIF còn Việt Nam tính theo giá FOB, không tính các chi phí vận tải, các hình thức đầu tư nước ngoài, dịch vụ, nhất là giáo dục khi số lượng học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ rất lớn.

“Những năm qua, Việt Nam ít sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng của Mỹ vào Việt Nam, nhưng Mỹ đưa ra nhiều phòng vệ đối với hàng Việt Nam, nhất là đối với hàng thuỷ sản”, ông Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Mỹ và Việt Nam cần phải xác định cách tính lại quan hệ thương mại, đầu tư đầy đủ để làm rõ bản chất quan hệ hai bên hướng tới cân bằng cán cân thương mại. Thực tế, phía Mỹ cũng đồng tình với Việt Nam để làm rõ các vấn đề trên và thường xuyên có trao đổi, phối hợp hai bên, xác định trách nhiệm cân bằng thương mại là thuộc về sự chủ động của các doanh nghiệp.

Từ chuyến làm việc với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội tại Mỹ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi giữa năm 2018, phía Mỹ cũng đưa ra nhận xét tích cực về quan điểm, động thái và lưu ý tới các đề xuất của Việt Nam trên tinh thần bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp hai bên.

Thành Chung

307 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 962
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 962
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219589