Các cán bộ ngân hàng trao đổi với ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Văn Tịnh (Lào Cai), một DN bị thiệt hại sau bão - Ảnh: VGP/HT
Chủ động liên hệ, nắm bắt ngay tình hình thiệt hại DN
Đại diện một trong những DN bị thiệt hại, ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Văn Tịnh (Lào Cai) chia sẻ: Cho đến giờ ông vẫn không quên được cảm giác bàng hoàng khi nhận tin kho nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng và toàn bộ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của DN mình bị sập, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Không chỉ kho xưởng của Công ty Văn Tịnh, khu nhà ở của 53 hộ dân tại phường Nam Cường, thành phố Lào Cai cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực vật liệt xây dựng với hơn 120 nhân sự, chưa bao giờ công ty đứng trước thiệt hại lớn như vậy. Trong hoàn cảnh đó, SHB chi nhánh Lào Cai – người bạn đồng hành trong quá trình kinh doanh từ những ngày đầu công ty thành lập đã nhanh chóng liên hệ, động viên chia sẻ thiết thực, tư vấn giải pháp để DN hồi phục. Đồng thời, ngân hàng cũng nhanh chóng đưa ra những biện pháp giúp DN có thể vượt qua khó khăn trước mắt, lấy lại tinh thần để làm lại sau bão.
"SHB đã ngay lập tức động viên DN, đồng thời có những chính sách ưu đãi, giảm lãi phải trả và giảm phí bảo lãnh dự thầu. Đặc biệt, ngân hàng có chính sách gói vay cố định với lãi suất 4,5%/năm. Với gói vay ưu đãi từ ngân hàng, công ty sẽ nỗ lực để vượt qua khó khăn trước mắt, thi công các công trình, khắc phục lại nhà xưởng, nhà kho để từ đó tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên và có nguồn chi trả cho ngân hàng. Công ty chúng tôi sẽ cố gắng để thực hiện đúng những cam kết với ngân hàng", ông Bùi Xuân Tịnh khẳng định.
Theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại chủ động, tích cực vào cuộc, sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kịp thời, đồng hành với khách hàng vực dậy sau bão.
Ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai - Ảnh: VGP/HT
Ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai cho biết, SHB chi nhánh Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, DN sau bão lũ. Không chỉ Công ty Văn Tịnh, nhiều DN đang chịu tổn thất nặng nề sau cơn bão cũng được ngân hàng hỗ trợ.
Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, một khách hàng lớn của SHB trên địa bàn Lào Cai cũng là DN chịu tổn thất nặng nề cả con người và tài sản. Khu nhà điều hành khá khang trang trước đây của nhà máy thuỷ điện giờ đây chỉ còn là một khu đất ngổn ngang. Chưa hết bàng hoàng, ông Nguyễn Tất Anh, Quyền Giám đốc điều hành của nhà máy chia sẻ, do mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn đã dẫn tới sạt lở đất đá từ trên sườn núi xuống nhà điều hành của nhà máy bị san phẳng hoàn toàn, 5 cán bộ nhân viên (bao gồm cả Giám đốc) của nhà máy bị thiệt mạng.
Không chỉ chịu thương vong, nhà máy còn bị ảnh hưởng nặng nề khi nước ngập toàn bộ thiết bị, cho đến nay nhà máy vẫn chưa có điện để vận hành mà cán bộ nhân viên phải dùng máy phát để hút nước, vệ sinh nhà máy. Khi bão đến, hai tuyến đường đi vào nhà máy bị cô lập hoàn toàn, sau vài ngày mới có thể đi bộ vào nhà máy. Trên tuyến đường vào nhà máy, nhiều điểm vẫn bị nguy cơ sạt lở cao, theo ước tính thiệt hại trên 100 tỷ đồng chưa tính thời gian dừng vận hành không có doanh thu để sửa chữa nhà máy trong ít nhất 3 tháng tới. Đó còn là chưa kể mặc dù công ty bảo hiểm đã tiếp cận để đánh giá thiệt hại ban đầu, ghi nhận do thiết bị điện ngâm trong nước nhiều ngày khá lớn nên nhiều khả năng không thể sửa chữa để sử dụng lại mà có thể phải thay mới.
Quang cảnh khu nhà điều hành trước và sau trận lũ quét kinh hoàng làm thiệt mạng 5 cán bộ nhân viên, trong đó có 1 đôi vợ chồng làm việc Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc - Ảnh: VGP/HT
Trước thông tin về thiệt hại cả về người và tài sản của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai cho biết, ngân hàng đã ngay lập tức thăm hỏi, động viên khách hàng. Thấu hiểu khó khăn trước mắt của nhà máy, ngay trong tháng 9, SHB cam kết sẽ tiến hành giảm lãi trong 4 tháng cuối năm 2024, dự kiến số tiền giảm lãi là trên 10 tỷ đồng, riêng tháng 9, đã giảm số tiền lãi phải trả của nhà máy với số tiền là 5 tỷ đồng. Để DN có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành, SHB quyết định cho DN vay với số tiền 50 tỷ đồng, lãi suất 4,5%/năm.
Khung cảnh ngổn ngang các phương tiện cán bộ nhân viên nhà máy sau trận lũ quét - Ảnh: VGP/HT
Ông Phạm Quang Huy, Phó Giám đốc SHB Lào Cai cho biết thêm: Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc là DN có dư nợ khoảng 650 tỷ đồng tại SHB. Thời điểm chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, đường vào Nhà máy bị sạt lở, điện, nước, viễn thông bị cắt, chỉ có chính quyền và các lực lượng cứu hộ được tiếp cận nhưng bằng nhiều hình thức.
"Chúng tôi nhận được thông tin thiệt hại con người bên cạnh nhà máy bị ngập nước hoàn toàn, đồng thời tìm cách liên lạc với cán bộ, nhân viên Nhà máy, trước tiên để chia sẻ những đau thương, mất mát, phúng viếng gia đình có người thân mất, động viên những người bị thương. Tiếp theo là triển khai ngay và luôn các chương trình cho khách hàng", ông Phạm Quang Huy chia sẻ.
Quyết tâm triển khai đúng tinh thần 'nói là làm, cam kết là thực hiện'
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền. Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%.
DN, người dân là khách hàng của các TCTD chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới, dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra, NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 04 về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Trong đó, với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cho vay mới; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Phạm Quang Huy, Phó Giám đốc SHB Lào Cai và ông Nguyễn Tất Anh, Quyền Giám đốc điều hành của nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc trao đổi về việc phối hợp giữa ngân hàng DN khắc phục thiệt hại để Nhà máy sớm đi vào vận hành - Ảnh: VGP/HT
Tại hội nghị tìm giải pháp hỗ trợ người dân, DN sau bão diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh: Toàn ngành ngân hàng thể hiện chia sẻ, đồng hành cùng người dân, DN. Ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần "Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện", phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh.
Ông Đỗ Quang Huy, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến ngày 20/9/2024, tổng hợp báo cáo sơ bộ của các ngân hàng trên địa bàn có 3.744 khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại; dư nợ 5.100 tỷ đồng.
Các cán bộ, kỹ sư, nhân viên nhà máy đang chạy đua với thời gian "giải cứu" máy móc khỏi nước ngập, vệ sinh dọn dẹp, khôi phục dần nhà máy thủy điện - Ảnh: VGP/HT
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ngay sau bão số 3, NHNN chi nhánh tỉnh đã ngay lập tức chỉ đạo NHTM trên địa bàn thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên, đồng hành cùng khách hàng. Trong quá trình triển khai, Chi nhánh cũng sẽ tiếp nhận thông tin khiếu nại, phản ánh của người dân, DN, hợp tác xã thông qua số điện thoại đường dây nóng, hoặc qua chuyên mục Hỏi – Đáp trên cổng TTĐT của Chi nhánh. Đồng thời, NHNN tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra hoặc lồng ghép nội dung này vào các đoàn thanh tra để đánh giá kết quả thực hiện của các chi nhánh ngân hàng.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vừa qua, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc ngân hàng SHB cho biết, ngân hàng đang tiếp tục khẩn trương tiếp tục rà soát, thống kê tình hình thiệt hại của khách hàng do ảnh hưởng bởi bão Yagi và lũ lụt sau bão, từ đó áp dụng phương án hỗ trợ phù hợp nhất, góp phần giúp người dân và DN nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất khách hàng hiện hữu phải trả từ 1/9 đến tháng 31/12/2024, đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng. Đồng thời, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, đến hết 31/12/2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh, thời gian hỗ trợ có thể lên tới 6 tháng.
SHB cũng sẽ tiếp tục rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để đưa ra những gói hỗ trợ phù hợp với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng...
Đã hơn 2 tuần kể từ khi Lào Cai xảy ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét do ảnh hưởng của cơn bão số 3, thế nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất nặng nề. Theo UBND tỉnh Lào Cai, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của tỉnh. Ước tính thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra là trên 6.640 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ và diễn biến rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nên mức độ thiệt hại là lớn. Tính đến ngày 27/9, đã có 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương. Bão lũ cũng gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng.
Anh Minh