Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, (trừ sóng thần).

Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm khoảng 20.000 tỷ đồng (1-1,5% GDP). Riêng lũ quét và sạt lở đất có xu thế gia tăng trong giai đoạn 1990-2017. Năm 2014, lũ quét và sạt lở đất làm 19 người chết và mất tích ở các tỉnh miền núi phía Bắc, 133 người chết và mất tích trên phạm vi toàn quốc; năm 2017, lũ quét và sạt lở đất làm 49 người chết và mất tích ở miền núi phía Bắc và toàn quốc là 139 người.

Thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” theo Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án; 251 xã tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng. Trong đó, đã đào tạo 317 giảng viên cấp tỉnh; tính đến tháng 9/2017, đã xây dựng được 79 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh.

Dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai, việc thiếu kinh phí để triển khai Đề án ở các địa phương; hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng chưa cao; chưa cảnh báo được vùng nguy cơ cao khi có tình huống mưa lớn; độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế,…là những tồn tại khi thực hiện Đề án.

Theo Tổng cục Phòng chống Thiên tai, trong thời gian tới, sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chương trình tổng phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, tập trung vào lũ quét và sạt lở đất. Xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Xác định được các giải pháp công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các vùng có nguy cơ cao tại các địa phương; thí điểm tại một số địa phương. Đề xuất và triển khai các giải pháp phi công trình phù hợp để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để giảm thiểu thiên tai cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc lượng mưa, mực nước sông để có giải pháp ứng phó phù hợp theo từng vùng. Trong đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, huy động người dân tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng và chuyển giao các bản đồ vùng nguy cơ sạt trượt đất đá, lũ quét,…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, trọng tâm của phòng chống thiên tai không chỉ ứng phó khẩn cấp, hỗ trợ người dân mà cần chủ động trước khi thiên tai xảy ra. Những giải pháp giảm thiểu tác động của thiên tai, nhân tai hiện nay chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, cần có kế hoạch phòng chống thiên tai tổng thể và giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp. Trong đó, cần hướng dẫn kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp một cách thiết thực và dễ hiểu; phân loại từng loại hình thiên tai đối với từng vùng nhằm hướng dẫn cách phòng, chống cho chính quyền cơ sở, xã và đến tận các thôn, bản./.

BT