Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Triệu Trạch trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc. Quân và dân xã Triệu Trạch vẫn kiên cường bám trụ giành giật từng tấc đất, ngôi nhà với quân thù. Nhiều tên đất tên làng ghi đậm chiến công tiêu diệt quân thù, góp một phần vào thắng lợi chung của huyện của tỉnh Quảng Trị.
Bao năm tháng gian lao vất vả, không lời văn nào mô tả hết, không lời bình nào hoàn chỉnh được. Hầu hết các làng, các xóm ở xã Triệu Trạch đều có hầm bí mật che chở và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng của xã, huyện. Sáng ngày 25/4/1972 xã Triệu Trạch được giải phóng, 3200 dân thoát khỏi xiềng xích, nô lệ. Phong trào cách mạng xã Triệu Trạch không ngừng lớn mạnh vừa ổn định vùng giải phóng vừa bổ sung lực lượng tiến về Chi khu Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và cánh đồng Hải Lăng, với khí thế hào hùng mãnh liệt, đã góp một phần giải phóng tỉnh Quảng Trị ngày 01/5/1972. Sau thất bại, Nguyễn Văn Thiệu quyết định tái chiếm tỉnh Quảng Trị, một vị trí chiến lược trọng yếu. Ngày 22/7/1972, lần đầu tiên địch đã đổ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến 369 xuống xã Triệu Trạch tại bãi cát Long Quang, sau đó chúng co cụm tại cao điểm 11. Trong quá trình chốt giữ ở chốt thép Long Quang, địch đã tung vào đây các tiểu đoàn của Lữ đoàn lục chiến 147, 158, 369, Thiết đoàn xe tăng 20 cùng với sự yểm trợ tối đa của hải quân, không quân hiện đại của Mỹ -Ngụy. Trước tình hình đó, nhiệm vụ của chung ta là: luồn sâu đánh địch tập kích nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, ngăn chặn phạm vi mở rộng của chúng. Long Quang là chốt thép chia lửa cùng Thành Cổ Quảng Trị, ban ngày chúng ta chiến đấu giữ chốt, ban đêm luồn sâu đánh địch tập kích. Tuyến hai tại Vân Tường chăm lo điều kiện vật chất, đảm bảo công tác lương thực. Tuyến ba tại Lệ Xuyên chăm lo vũ khí đạn dược, vận chuyển thương binh và tiếp nhận lực lượng bổ sung cho chốt thép. Tuyến bốn là Trạm liên lạc đặt tại Cao Hy làm nơi trung chuyển. Với lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” quân và dân xã Triệu Trạch đã đánh 84 trận, tiêu diệt 637 tên địch, bắn cháy và phá huỷ 17 xe tăng, phối hợp bắn rơi 3 máy bay, bắt sống 01 Trung đội địch thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Hoà chung cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, ngày 18/3 quân và dân xã Triệu Trạch đã nổ súng tấn công quân địch, chỉ trong một thời gian ngắn toàn bộ xã Triệu Trạch được giải phóng. Chốt thép Long Quang mãi ghi dấu ấn của quân và dân ta bao năm tháng kiên cường đánh giặc, giải phóng quê hương. Chốt thép Long Quang được giải phóng mang nhiều yếu tố quyết định:
Thứ nhất, tinh thần đoàn kết một lòng. Mặc dù đã sơ tán ra Vĩnh Linh, nhưng nhân dân xã Triệu Trạch vẫn luôn chăm lo việc phát triển lực lượng, huấn luyện và đưa bốn lượt quân bổ sung chốt giữ ở chốt thép. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, lòng dân, lòng đất, xã Triệu Trạch nuôi dấu và bảo vệ biết bao nhiêu cơ sở và cán bộ cách mạng.
Thứ hai, tinh thần chiến đấu anh dũng bất khuất. Những đoạn Di chúc của Bác Hồ, những bài thơ của Tố Hữu, bài hát “Vì nhân dân quên mình” được các chiến sĩ cất lên những lời ca tiếng hát trong từng hầm chốt. Ngân vang một niềm tin chiến thắng, dù trong mưa bom, bão đạn, gian khổ hy sinh vẫn không sờn lòng. Lớp này ngã xuống có lớp khác xông lên đánh giặc, đạp đầu quân thù xốc tới, quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng quê hương.
Thứ ba là nghệ thuật tấn công. Đó là sự kết hợp sắc bén và nhuần nhuyễn giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, sự phối kết hợp giữa các địa bàn Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Sơn... Nghệ thuật chiến tranh nhân dân “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là mỗi pháo đài”, chiến thuật đánh du kích, tấn công địch vào bất cứ thời điểm nào làm chúng không kịp trở tay không sao lường trước.
Thứ tư, nắm bắt và kịp thời vận dụng thời cơ cách mạng vào giải phóng cốt thép, giải phóng quê hương. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết năm 1973, quân Mỹ rút khỏi nước ta, quân Ngụy rơi vào thế bị động, tinh thần nao núng. Quân và dân xã Triệu Trạch liên tục tấn công bẻ gãy xương sống chốt giữ của địch ở chốt thép, giải phóng quê hương vào cuối tháng 3 năm 1975.
Khi quê hương được giải phóng, lực lương dân quân du kích xã Triệu Trạch đảm đương một cuộc chiến đấu mới đó là rà phá bom mìn, dành lại màu xanh cho quê hương. Sau hơn 3 tháng, hơn 30.000 quả bom mìn được tháo gỡ, hàng trăm ha ruộng vườn được trả lại cho Nhân dân. Hình thành nhiều phong trào như: Phong trào khai hoang phục hoá, phong trào làm thuỷ lợi, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phong trào hợp tác hoá của địa phương. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, tháng 12/1986 Chốt thép Long Quang vinh dự được xếp hạng quốc gia trong “Danh mục di tích lịch sử-văn hoá và danh thắng”. Tháng 4/2005, tượng đài Chốt thép Long Quang được hoàn thành theo quyết định của sở văn hoá –Thông tin tỉnh Quảng Trị.
Trải qua những biến đổi thời gian, Chốt thép Long Quang luôn là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, minh chứng lịch sử chiến thắng quân xâm lược và bè lũ tay sai của nhân dân xã Triệu Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Là tấm gương kiên cường bất khuất của cha ông ta để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, quyết tâm bảo vệ xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp văn minh. Lê Như Tâm