Chốt gác đêm trên sông Sê Pôn 

Biên phòng - “Có thuyền chở nặng!”. Tiếng hô khẽ vang lên đã đánh bật cả Đội công tác Biên phòng lao ra mé sông Sê Pôn, mặc kệ bùn lầy văng tung tóe lên áo quần. Giữa dòng sông Sê Pôn là đường biên giới trên sông giữa 2 nước Việt-Lào. Hàng loạt chốt chống buôn lậu được cắm dọc bờ sông, kết hợp với các tổ mật phục cơ động, luôn có mặt 24/24 giờ để ngăn thuyền máy chở hàng lậu băng qua sông vào đất Việt Nam.

5bcae8c922f7c71df8000e31

Cán bộ chốt gác đêm chống buôn lậu thường xuyên ra sông Sê Pôn giữa đêm để kiểm tra vì nghe tiếng thuyền máy chở nặng. Ảnh: Lê Văn Chương

Báo động!

Cạch... cạch... cạch...! Tiếng thuyền máy từ rất xa vang đến như những chùm âm thanh mơ hồ. Đã 2 giờ sáng, gió từ đất Lào thổi ràn rạt sang Việt Nam và nếu căng lồng ngực hít thở thật sâu thì cảm nhận được luồng gió mang theo hương của núi rừng. Sông Sê Pôn trải một màu đen kịt, cách 2m, dù căng mắt ra cũng không thấy gì. Nhưng từ chốt gác Bến Cát nằm cạnh con sông, Thiếu úy Nguyễn Quang Toàn và đồng đội có thể “đánh mùi” được con thuyền nhờ vào chùm âm thanh mơ hồ vang vọng từ chiếc máy thủy Honda GX 390 gắn trên thuyền vận tải.

Tiếng bùn đất lẹp xẹp dưới đôi giày, dù tôi đã cố bước thật nhẹ, men theo bờ sông, trèo lên chiếc thuyền lá thon dài được neo chặt vào bờ bằng một sợi xích sắt. Tôi khỏa một vốc nước sông lên mặt cho đỡ buồn ngủ rồi chờ khi tiếng máy thuyền đến vị trí thật gần, băng ngang chốt canh thì ánh đèn pin mới bật sáng. Qua ánh đèn thấy con thuyền kia thon dài như chiếc lá đang trên hành trình lặng lẽ. Thuyền phủ kín bạt nửa xanh nửa đỏ gạch, đi giữa dòng. Có thể chiếc thuyền này đang thăm dò để tìm nơi cất hàng. Bỗng ánh đèn pin từ chòi canh chiếu ra, nó liền rồ ga, xuôi đi thật nhanh, biến mất trong màn đêm đen kịt trên sông Sê Pôn.

Cả đêm trường, 14 chốt canh cộng với nhiều chốt cơ động dọc sông Sê Pôn của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị, anh em luôn đặt trong tình trạng thức trắng. Từ lúc chập choạng tối, Thiếu úy Nguyễn Quang Toàn chỉ kịp tắm rửa và ăn vội gói mì tôm để lấy sức trực gác. Còn một số anh em khác chỉ ăn uống vội để vào vị trí. Có người gia đình ở gần, nhưng suốt 2 tháng ròng, chỉ thăm nhà qua tin nhắn, zalo. Công việc trực gác quá căng thẳng. Dòng sông Sê Pôn vào mùa này chỉ rộng chừng 200m. Nhưng trong chớp mắt là thuyền máy chở hàng lậu vụt từ bên kia sông sang bờ phía Việt Nam và cửu vạn lao ra vác sạch thuyền hàng trong vòng 15 phút.

4r7k_14b

Cán bộ, chiến sĩ đốt lửa sưởi ấm tại chốt canh Khe Đá. Ảnh: Lê Văn Chương

Chốt bên sông

Tôi đã quen với các trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các trạm thường được đặt ở nhiều vị trí đẹp, tàu thuyền ra vào tấp nập ngay giữa tầm mắt. Còn các chốt canh trên sông Sê Pôn là những túp lều nằm ẩn dưới lùm cây, trong bụi rậm để giảm bớt cái nắng thiêu đốt vào ban ngày. Công việc tại các chốt này có nhiều tình huống khó xử lý. Tại chốt Tân Kim, anh em cán bộ chia sẻ những câu chuyện “khóc dở, mếu dở”, có trường hợp bắt hàng rồi thì đối tượng là phụ nữ nhào đến năn nỉ: “Mấy chú ơi, cho tui qua. Chỉ có một bao đường, bây chừ mấy chú bắt thì làm răng đây? Mai tui không có tiền mua sách vở cho con đi học”.

Đi dọc sông, chốt Bến Cát là điểm được xem như chốt nằm ở vị trí “đất vàng”. Vì chốt đặt trên một gò đất cao, sạp giường cách mặt đất 20cm, có chiếc ô che chắn là 2 cây ngô đồng cổ thụ. Những người dân địa phương thường ra chốt căn dặn anh em, nếu trời mưa quá to và kéo dài thì phải lập tức rời chốt. Vì chỉ trong chốc lát, nước sông Sê Pôn sẽ dâng tràn rất nhanh, nuốt chửng cây ngô đồng, biến nơi đây thành một biển nước chảy cuồn cuộn.

Chốt ở bản Khe Đá bập bùng ánh lửa giữa lúc ngoài trời lất phất mưa rơi. Nói là chốt, nhưng thực ra chỉ là một điểm canh gác. Ba chiếc tăng võng được căng sẵn, phía trên che bạt và chính giữa 3 chiếc võng là một bếp lửa. Lửa để sưởi ấm cái lạnh giá bên sông, để xua bớt muỗi rừng vo ve như trấu, sông càng lặng gió thì muỗi càng nhiều. Đốt lửa đuổi được muỗi thì rắn thấy ánh sáng lại bò tới chốt.

Những cánh rừng dọc bờ sông Sê Pôn thường xuất hiện rắn lục đuôi đỏ. Vì vậy, vật bất ly thân của anh em đi gác là chiếc đèn pin soi đường. Mắt phải luôn quan sát tinh tường, nếu phát hiện ra đốm mắt lân tinh đang chắn phía trước thì phải dừng lại và đuổi rắn. Cách đây một tháng, anh em bên chốt Vĩnh Hoa thay phiên trực gác lúc 12 giờ đêm. Khi chui vào lều, một cán bộ cẩn thận giũ chăn gối và quét pin kiểm tra trước khi lên giường thì một chú rắn đã văng ra, làm mọi người thấp thỏm cả tiếng đồng hồ mới có thể ngủ được.

Ngừng nhai mì vì…

Chiếc xe máy Exciter của Thượng úy Hồ Xuân Lê, Đội trưởng Đội Trinh sát lao nhanh trên con đường đến các khóm Tân Kim, Vĩnh Hoa, Cổ Thành nằm dọc theo bờ sông. Đi với lính trinh sát địa bàn thì mới thấu hiểu, ở Đà Nẵng thường nhắc đến những dự án bít đường xuống biển của dân. Còn ở dọc sông Sê Pôn, nhà cửa san sát bít mất đường ngang dẫn ra bờ sông Sê Pôn gây nhiều bất lợi trong việc chốt chặn thuyền buôn lậu cập bến.

Nhiều đêm khuya khoắt, cán bộ, chiến sĩ chốt gác đêm chống buôn lậu Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chỉ kịp ăn mì tôm sống. Nhưng chỉ cần nghe tiếng thuyền máy lạch xạch, mọi người ngừng nhai để tăng thính giác. Hai đêm xuống thăm chốt và ngủ lại chốt gác bên dòng sông Sê Pôn, tôi nhận ra rằng, mọi người đều hình thành phản xạ tự nhiên, đó là dù hết ca trực, nhưng nghe tiếng máy thuyền chở nặng thì vẫn bật dậy, chộp đèn pin để lia xuống sông Sê Pôn. Mắt ai cũng thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ.

Ở những vùng dân cư nằm chắn lối xuống sông, khi tổ tuần tra phát lệnh báo động thì anh em có khi phải băng qua sân, hè, hoặc chạy dọc bờ sông, bùn lầy văng tung tóe như nông dân đi cày mới có thể tiếp cận được ghe chở hàng lậu. Bắt hàng giữa xóm, anh em lại phải vất vả để chống chọi với những lời năn nỉ: “Eng (anh) cho tui xin lại bao đường, cây thuốc... để tui kiếm tiền mua sách vở cho con đi học, thiệt tình tui xin mấy eng đó!”.

Nghe nhiều lời năn nỉ cũng xót lòng. Bởi lính Biên phòng sống dựa vào dân. Nhưng việc thực thi pháp luật thì phải thực hiện nghiêm túc. Nhiều lúc anh em phải năn nỉ bà con: “Thương bà con, chúng tui biết. Nhưng phải thực thi theo pháp luật, mang bà con mình thông cảm”.

Lê Văn Chương

799 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1196
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1196
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87102165