Quốc hội dành trọn hai ngày làm việc (6 và 7/11) để thảo luận về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quà cảm ơn, quà bắt tay trong thu nhập của cán bộ rất lớn
Theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), gần đây, cả nước “nóng” lên khi nói đến công khai, minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ công chức, nhất là người giữ chức vụ quyền hạn, nắm cương vị lãnh đạo ở những vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tài sản bất thường, tham nhũng.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)
"Cử tri cho rằng số lượng phát hiện kê khai không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng, qua đó cho thấy biện pháp này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp", ông Mão nói.
Đại biểu Nghệ An cũng phản ánh, thu nhập ngoài lương, quà tặng, quà biếu, quà cảm ơn, quà lót tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập của nhiều cán bộ, nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý.
Ngoài ra, ông Mão nói những cán bộ có nhiều tài sản thường tìm cách tẩu tán bằng cách để người thân, họ hàng đứng tên; mua vàng, đô la, kim cương, hiện vật quý hiếm để cất giấu, tránh phiền hà.
“Việc kê khai thu nhập, đặc biệt thu nhập ngoài lương, quà tặng, quà biếu, quà cảm ơn, quà bắt tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý, kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh giải trình nguồn gốc hợp pháp”, ĐB Mão nói.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo Ủy ban Tư pháp, nguyên nhân biện pháp này còn hình thức, hiệu quả thấp là do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến.
Đáng lưu ý, quy định của Luật PCTN về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, một số căn cứ không mang tính bắt buộc và có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Đinh) đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã có kết quả đã tích cực hơn, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. “Cơ quan điều điều tra, viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên bản án nghiêm khắc, kiên quyết đến đâu, mà chưa thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng chưa triệt để, chưa đạt được mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra”, nữ ĐBQH nói.
Để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, ĐBQH Hoa cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện Luật PCTN theo hướng mở rộng diện kê khai tài sản, công khai thực chất hơn, xác minh chủ động. Khi định xác được tài sản do tham nhũng mà có thì cần có biện pháp kiên quyết thu hồi triệt để.
“Trong xử lý các vụ tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trong khám phá, điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… tranh tài sản bị tẩu tán”, bà Hoa đề nghị.
Thu hồi tài sản quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tham nhũng gây ra
Cũng sốt ruột về thu hồi tài sản tham nhũng, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) dẫn, vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho công ty Vinashin hơn 989 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả. Nhưng đến tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào.
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)
Hay trong vụ Vinalines, Dương chí Dũng phải bồi thường cho công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110.000 tỷ đồng và lãi trả chậm, đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.
" Theo tôi các cơ quan cần coi thu hồi tài sản tốt là chính sách quan trọng ưu tiên hàng đầu trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án", ông Hiển nói và báo cáo phải đánh giá đầy đủ vấn đề này để đưa ra giải pháp cụ thể.
Ông Hiển cho biết, theo dõi một số vụ án lớn thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia "còn thất vọng hơn nhiều". Như vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan gần một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào.
Cũng theo ông Hiển, qua tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. "Việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia", ông Hiển nói.
Quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lưu ý, việc thực hiện chế độ công khai, minh bạch không được chấp hành nghiêm túc.
“Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót, chứ không phải vi phạm pháp luật. Mà thiếu sót, lâu nay chúng ta kiểm tra, kiểm tra rồi chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi, xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi. Vì vậy, việc chấp hành pháp luật của chúng ta không nghiêm, người dân dị nghị về chuyện tham nhũng, tiêu cực của chúng ta không được chú ý đấu tranh phòng, chống”.
THANH NHUNG