Chống lãng phí từ những công việc nhỏ 

(ĐCSVN) – Những năm gần đây, tình trạng lãng phí ở nước ta diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội, làm hạn chế tới thành quả của công cuộc đổi mới. Vì vậy, tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng chống lãng phí là đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội.

Ngay từ năm 1952, khi nói chuyện về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi lãng phí và tham nhũng là “hai anh em sinh đôi”, gây nên những thất thoát lớn về nguồn lực xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính…”.

Xác định được sự nguy hiểm của lãng phí, Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động và ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh, ngăn chặn hành vi này. Năm 2005, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua và năm 2013, Luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung - trở thành khung pháp lý quan trọng, luật hóa việc thực hành tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng phung phí tiền tài, của cải của Nhà nước, của dân; Nghị định số 84/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Ngày 31/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 398/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017…

Trong báo cáo hằng năm của Chính phủ đã nêu, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quản lý kinh tế, hạn chế, thiếu sót lớn nhất vẫn là sự thất thoát, lãng phí, nhất là về đầu tư xây dựng cơ bản, do thiếu đồng bộ, dàn trải nên đã gây thất thoát lớn...

Tại Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vừa qua, Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục. Cụ thể: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân vẫn mang tính khẩu hiệu, chưa đạt được hiệu quả cao…

Cùng với tham nhũng, lãng phí đã trở thành lực cản trên con đường phát triển của đất nước. Lãng phí hằng ngày, hàng giờ vẫn đang âm thầm như con sâu “đục khoét” nền kinh tế. Điển hình trong thời gian qua, các cơ quan báo chí cũng đã đề cập nhiều đến các dự án gây lãng phí rất nhiều tỷ đồng. Ví như: Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, nay thành đống sắt vụn; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư trên 12.000 tỷ, hoạt động không hiệu quả, càng sản xuất càng lỗ, đến nay đã lỗ hàng ngàn tỷ; Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng của Tập đoàn Dầu Khí (PVTex) đầu tư gần 7.000 tỷ, mới hoạt động hơn năm đã “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng; Dự án Nhạc nước tại lòng hồ Tam Bạc, Hải Phòng, đầu tư 200 tỷ, song do đặt tại vị trí không phù hợp, lại ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan thành phố nên cũng không hiệu quả, biến thành đống sắt vụn phải dỡ bỏ...

Đó là các dự án lớn nổi bật được dư luận đề cập nhiều với những con số cụ thể. Còn trên thực tế, sự lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau. Đó là sự lãng phí từ thời gian đến tiền bạc, lãng phí chất xám trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, lãng phí về đất đai với nhiều dự án quy hoạch “treo”, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rồi bỏ trống, hoang hóa… Những sự lãng phí này là không thể đo đếm được nhưng thiệt hại mà nó mang lại là không hề nhỏ.

Năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiến nghị xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng, trong đó phát hiện 28.800 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ theo quy định. Điển hình gần đây nhất là câu chuyện 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư trị giá 14 tỷ đồng bị tiêu hủy do hết hạn sử dụng. Nguyên nhân của sự hết hạn sử dụng lại do những viên thuốc này phải vượt qua các “cửa ải” để đúng thủ tục mất gần một năm trời. Và khi nó “đủ tư cách” thì cũng là lúc nó không còn hạn sử dụng nữa(?!), Một sự lãng phí trong tiếc nuối, đau xót của bao nhiêu người bệnh ung thư mỏi mòn chờ được cứu sống….

Trong thực tế, chúng ta có thể gọi tên, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, bỏ tù người tham nhũng, nhưng vẫn chưa xử được bất kỳ ai vì hành vi gây lãng phí. Thế nên mới dẫn đến tình trạng mọi người chỉ tiết kiệm, “giữ lại” của mình, còn của công thì “vô tư” lãng phí. Thế nên mới có chuyện quyết tâm thể hiện rất cao, nhưng ngân sách năm nào cũng bội chi, mà theo lý giải cái gì cũng cần thiết, cũng cấp bách cả. Đến khi dự án đổ bể, trách nhiệm lại thuộc về thị trường, cơ chế...

Chính vì vậy, tại rất nhiều diễn đàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “Lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí.

Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là phải thay đổi tư duy của người dân và cả xã hội đối với tệ nạn này. Thay vì coi lãng phí như một thứ tệ nạn xã hội, một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận lãng phí là quốc nạn. Do đó, cả xã hội cùng “ra tay” để chống lại nó.

Cùng với các giải pháp lâu nay vẫn nhấn mạnh như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình mới; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tập trung rà soát lại bộ máy quản lý Nhà nước, bám sát quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và sử dụng tài sản công…; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý Nhà nước…, thiết nghĩ, hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ cho từng cơ quan, đơn vị; nhất là cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, cần phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này.

Phải coi chống lãng phí là chuyện lớn, là công việc chung, nhưng không phải là điều cao xa, hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể và hiệu quả của từng cá nhân, của mỗi con người./.

Thu Hà

617 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1063
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1063
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194064