Mặc dù trải qua các giai đoạn cực kỳ khó khăn và đầy biến động của kinh tế thế giới do đại dịch và chiến tranh, quy mô nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng dương và đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Trong khi đó, lạm phát đã giảm xuống quanh mức 4%/năm từ mức siêu lạm phát với ba con số của giai đoạn đầu đổi mới. Xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD, đã đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Trong khi đó, cơ cấu nền kinh tế đang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, và dần phát triển được hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng ngày một tốt hơn các mục tiêu chiến lược quốc gia về kinh tế - xã hội1.
Trên thực tế, đất nước Việt Nam thậm chí còn có thể có nguồn lực và tiềm lực nhiều hơn cả các chỉ số kinh tế qua các thông kê tiêu chuẩn. Tiềm năng còn nằm ở chỉ số những ngày nắng, ở mức độ đa dạng sinh thái, ở khả năng sinh và dưỡng của các loại cây và con trên các vùng đất khí hậu, sinh thái khác nhau của đất nước2.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại Đại hội XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với các nguồn lực và tiềm lực phát triển hiện nay, có thể thấy, đất nước đang đứng trước cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao3.
Đứng trước cơ hội vươn mình của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều ý kiến chỉ đạo và nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng có tính cốt lõi với phát triển đất nước trong tương lai4. Mục tiêu bao trùm và chiến lược dẫu đa dạng và trải khắp các khía cạnh từ văn hoá, xã hội, chính trị, pháp luật, kinh tế,... nhưng đều hội tụ về tâm điểm: phát triển đất nước cường thịnh, bước vào kỷ nguyên phồn vinh, đưa quốc gia (bao gồm cả nền kinh tế) tiến tới trình độ phát triển cao trong tương quan toàn cầu.
Trong các ý kiến chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh một tư tưởng điều hành và nghị sự thực thi hiệu quả cho chống lãng phí bên cạnh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước vừa đầy đủ năng lực, phẩm chất thực thi. Cụ thể, trong bài viết “Chống lãng phí”5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hoá ứng xử trong thời đại mới”.
Có thể thấy, quan điểm về “chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm bao gồm hai hàm ý chính về tiết kiệm như sau:
Tiết kiệm có vai trò/giá trị cốt lõi để củng cố nền tảng và biến các mục tiêu phát triển lớn lao thành tập hợp các chương trình có tính khả thi cao; Tiết kiệm, vì thế, cần trở thành nền tảng văn hóa tiến bộ của xã hội và rường cột trong tâm thức của dân tộc.
Trong thời đại đất nước cần nuôi dưỡng, tích lũy, và vận dụng một cách hiệu quả và khoa học các nguồn lực và tiềm lực cho cơ hội chuyển mình của dân tộc thì việc thực hiện tư duy tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách. Việt Nam, cũng như các nền kinh tế đang chuyển đổi khác, đều phải đối mặt với lời nguyền tài nguyên trong quá trình phát triển: phụ thuộc vào quá nhiều vào nguồn lực vốn và vật chất sau một thời gian dài thiếu thốn nguồn lực. Điều này tạo ra nguy cơ gây xói mòn các nguồn lực kinh tế đã tích lũy được, do đó không chỉ thách thức mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà còn có thể khiến quốc gia đối mặt vấn đề bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi đó, lượng tài nguyên thiên cần khai thác và các tác động tiêu cực tạo ra trong quá trình phát triển lại gia tăng cho cùng mức độ phát triển6.
Trong bối cảnh này, bài viết đóng góp phân tích căn nguyên kinh tế, đặc biệt mối quan hệ biện chứng giữa tiết kiệm-phát triển từ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm chỉ ra tính khả thi, các điều kiện cần và đủ, vai trò của xác định chiến lược và đoàn kết triển khai, cũng như tính cấp thiết của một ý chí đoàn kết kiên định xung quanh mục tiêu chiến lược. Anh Đào (TH, nguồn Ban Tuyên giáo TW)
-----------------------------
1. https://baochinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-10224072719213366.htm
2.https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/Lists/XayDungDang/View_Detail.aspx?ItemID=198
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập 1 (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội).
4. https://special.nhandan.vn/tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-Dang/index.html
5. https://special.nhandan.vn/chong-lang-phi/index.html
6. Hoàng VQ, Sơn NH, & Hoàng NM (2024) Từ luận đề văn hóa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ed. TBT Nguyễn Phú Trọng (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội), pp 876 - 880.