Hình ảnh tại hội thảo (Nguồn: K.D)
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Phương Minh – Phó Phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ” do Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 6/6, tại Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức với mong muốn cùng nhau chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã tập trung xoay quanh nội dung gồm 2 chủ đề: Hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những chia sẻ giúp các doanh nghiệp kết nối, trình bày, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cũng như những giải pháp, đề xuất có liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Từ những ý kiến, kiến nghị và đề xuất mà các doanh nghiệp đưa ra, các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ nghiên cứu để từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế chính sách trong phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cùng nhau chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp; góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu (Đại học Thương mại) chia sẻ, theo khảo sát 350 doanh nghiệp năm 2016, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội, trong đó có 208 doanh nghiệp quan tâm đến bảo vệ thương hiệu, nhưng tỷ lệ rất nhỏ thực hiện hành vi: 18/2018 đã và đang xác lập quyền, 1/18 có đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 17/18 doanh nghiệp chỉ đăng ký nhãn hiệu. “Nhiều doanh nghiệp ngại không hợp tác với cơ quan chức năng chống hàng giả thì hành vi làm giả lần sau tinh vi hơn lần trước và công bố hàng giả thì người tiêu dùng sợ không dám mua” - ông Thịnh khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh cũng đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu. Phải làm sao cho người tiêu dùng tiếp xúc được nhiều hơn, công bố công khai chính thức điểm bán, rà soát hệ thống phân phối để người tiêu dùng tin hơn. Nếu doanh nghiệp âm thầm chịu đựng, không nói ra, không gia tăng điểm tiếp xúc thương hiệu thì tình trạng hàng giả còn phát triển rất mạnh.
Ông Thịnh nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi triển lãm hàng thật, hàng giả. Vận động, triển khai việc ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho cán bộ thực thi. Đồng thời phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp. Với các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và kiểm tra các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu có vi phạm vì đây là nguồn cung cấp bán sản phẩm làm hàng giả. Song song với đó cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ của những nước phát triển.
Bàn về giải pháp ngăn chặn việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Phương Minh – Phó Phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần phổ biến tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. “Công tác giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật được thực hiện tốt sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân và cán bộ, công chức nhà nước”.
Kim Dung