Chống hàng giả, hàng nhái: Cần chế tài đủ mạnh 

(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, cần phải tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm, như vậy mới khiến các đối tượng “chùn bước”, không dám vi phạm hoặc tái phạm.

 

Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp" .

(Ảnh: K.D) 

Nhận định nói trên được đưa ra tại Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp" do Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương tổ chức sáng 26/11 tại Hà Nội.

Đã phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm

Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 10 tháng đầu 2019, đã kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến những vụ việc điển hình đã bị phanh phui như: Vụ việc hàng giả là quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TP. Hồ Chí Minh (khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square), TP. Hà Nội (khu vực chợ Ninh Hiệp-Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên); TP. Hải Phòng (kho hàng hoá tại quận Hải An); Vụ việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Vụ việc kiểm tra đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu của Thuỵ Sĩ...

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng và nhu cầu thực tế của người dân đối với hàng hóa bảo đảm chất lượng của Việt Nam cũng như các nước phát triển (ít hóa chất độc hại), các đối tượng sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa dối người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, các thủ đoạn phương thức của chúng ngày càng tinh vi phức tạp hơn, thậm chí có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ cao để đối phó các cơ quan chức năng khiến cho công tác chống hàng giả, hàng nhái càng trở nên khó khăn hơn”.

Từ những tổ chức, đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng rất nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng. Chẳng hạn, đơn giản như trường hợp người bán hàng rong bán hoa quả, khoai tây, hành tỏi,… xuất xứ Trung Quốc, nhưng khi người tiêu dùng hỏi thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam. Không chỉ lừa đảo trên thị trường truyền thống, vấn nạn này còn “lan tỏa” mạnh mẽ trên thị trường online. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), có vô vàn loại hình kinh doanh lừa đảo trên mạng xã hội. Đáng chú ý nhất theo ông Tuấn là hiện nay, nhiều người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả. Tinh vi hơn, theo ông Tuấn là việc lừa đảo mua xe máy, trúng thưởng trên mạng xã hội. Các đối tượng đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến

Nêu lên vấn nạn hàng giả, hàng nhái khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khó bề xoay xở, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam - cho biết năm 2008, chỉ một năm sau khi thương hiệu này chính thức đến Việt Nam, thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu "L’Oreal chính hãng". Có lúc hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng. Thực trạng đó đã khiến doanh nghiệp này phải gửi công văn kêu cứu tới nhiều cơ quan cấp Chính phủ, các cuộc họp cấp cao và nhờ đó việc kiểm soát chặt thị trường kể từ năm 2010 đã giúp thị phần mỹ phẩm giả bị triệt tiêu bớt, giảm đáng kể.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa hoàn thiện.Trong khi đó, với các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, mức xử phạt cao nhất cũng không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, không có quy định về xử lý hình sự… Đây là kẽ hở khiến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.

Đồng quan điểm, ông Phan Ngân Sơn - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cũng cho rằng, các chế tài xử phạt của ta hiện nay chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chưa được chặt chẽ. “Các vụ xử lý về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn rất ít thể hiện các chế tài sử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Hơn nữa, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới mong được đối tác đối xử ngược lại như vậy với chúng ta” – ông Sơn nhấn mạnh.

Bởi vậy, nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, cần phải tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm, như vậy mới khiến các đối tượng “chùn bước”, không dám vi phạm hoặc tái phạm. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật như ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới... nhằm bảo vệ sản phẩm của chính mình./.

 
Kim Dung
530 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1388
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1388
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156105