Chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách 

(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, ngày 24/11.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả thi hành.

Đổi mới công tác xây dựng pháp luật; nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật đã được đổi mới.

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cho cả Trung ương và địa phương, từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật; vai trò tham gia của xã hội vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước được quy định cụ thể; pháp luật về hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ tra cứu, tiếp cận, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ. (Ảnh:TH)

Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.

Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn, bước đầu áp dụng khoa học công nghệ vào công tác truyền thông để đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao. Tính công khai của hệ thống pháp luật cơ bản được đảm bảo. Tình trạng nợ ban hành văn bản chưa được khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh, đồng bộ để thực hiện hiệu quả; chế tài pháp lý chưa thực sự nghiêm khắc; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân chưa cao….

Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Thời gian tới, để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, thì nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chúng ta chính là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030 đưa ra quan điểm phát triển: “Lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”, đồng thời tiếp tục xác định “hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược.

Để tiếp tục đóng góp ý kiến cho các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII và chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị chuyên đề hôm nay có ý nghĩa quan trọng và vô cùng thiết thực, đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới tư duy về thể chế phải đi tiên phong, bảo đảm thể chế phải thực sự là nền tảng là động lực đẩy mạnh đổi mới, phát triển đất nước, cải cách và tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh.

Đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thẳng thắn chỉ ra: Trong tổ chức thi hành pháp luật, vẫn còn những điểm yếu. Trong thực thi pháp luật, chúng ta thấy có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là việc chấp hành phát luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc xây dựng pháp luật cần bám sát vào Nghị quyết của Đảng để tập trung vào những trọng tâm lớn là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân, đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; những vấn đề về bảo đảm hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng “trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi” khi phải  gấp rút hoàn thành một khối lượng đồ sộ văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư (trên 50 nghị định cần sửa đổi, trên 3.000 điều kiện kinh doanh cần rà soát) lúc còn 6 tháng nữa là đến thời điểm có hiệu lực, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị trong thời gian tới cần coi công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường vai trò của Vụ pháp chế trong các bộ, ngành và nguồn lực ưu tiên cho công tác thể chế; tăng cường  đối thoại, lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, người dân…

Dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại”, trong đó tác giả James A. Robinson nói “thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải quan tâm đặc biệt để đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật, đây là một trong ba đột phá Đảng đã xác định. Ảnh: TH.

Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm.

Ghi nhận các ý kiến nêu lên những tồn tại trong công tác này, Thủ tướng chỉ rõ, một số nội dung gồm "vòng đời" của một số dự án luật còn ngắn, phải sửa chữa. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luât - “đưa pháp luật vào cuộc sống” còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để.

Nhấn mạnh công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật… Thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật.

“Muốn một dự án luật hiệu quả, một nghị định phản ánh đúng tinh thần của Luật đã được Quốc hội thông qua thì chúng ta phải đảm bảo chất lượng, không được hình thức”, Thủ tướng lưu ý.

Cùng với đó, khắc phục cho được sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trọng việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện. Việc tổ chức thực hiện pháp luật “đến nơi đến chốn” rất quan trọng.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiên đại hóa kỹ thuât xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đôt phá trong việc nâng cao hiêu quả thi hành pháp luât, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luât trong toàn xã hội.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. “Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng”, đồng thời lưu ý cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, để sau Hội nghị có sản phẩm là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật trong tình hình mới. 

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản (71 Luật, 2 Pháp lệnh, 22 Nghị quyết của Quốc hội, 17 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, Chính phủ ban hành 745 Nghị định, tăng 24 Nghị định so với giai đoạn 2011 - 2015 (721 văn bản), Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 Quyết định, giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011 - 2015 (361 văn bản). Các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 Thông tư, 110 Thông tư liên tịch, giảm 201 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (2.733 văn bản). Ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh, tăng 2.552 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (13.789 văn bản), 12.427 văn bản cấp huyện, giảm 18.320 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (30.747 văn bản), 64.031 văn bản cấp xã giảm 131.083 văn bản so với giai đoạn 2011-2015 (195.114 văn bản).

200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 844
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 844
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87193536