Chống bạo hành gia đình: Cần sự chung tay của toàn xã hội 

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ bạo hành gia đình. Không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội, những vụ việc này còn gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp trong các mối quan hệ gia đình.

Hàng loạt vụ bạo hành...

Theo thống kê, chỉ trong chưa đầy 1 tháng trở lại đây đã có đến 3 vụ việc liên quan đến các hành vi bạo hành gia đình. Điểm chung của những vụ việc này là những người đàn ông đều có những hành động bạo hành đối với vợ mình ngay trước mặt con nhỏ và để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân. Có thể kể đến vụ việc diễn ra vào ngày 20/8/2019 khi anh Nguyễn Văn L ở phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn hành hung vợ mình ngay tại nhà. Những hình ảnh trên được camera an ninh trong gia đình ghi lại cho thấy, khi người vợ bế con nhỏ đứng ngoài cửa thì người chồng vùng đứng dậy lao ra tát tới tấp vào mặt vợ rồi la mắng. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục dùng chân đá vào người và đánh vào mặt dù người vợ cố gắng đưa tay đỡ. Khi người vợ bế con nhỏ định tiến vào bên trong nhà thì anh L bất ngờ vung tay tung cái tát trời giáng lên mặt vợ... Lúc này, một cậu con trai nhỏ ngồi ở ghế xem ti vi cũng chỉ im lặng quay lại chứng kiến bố đánh mẹ.

Tiếp đó, sáng 27/08, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bạo hành vợ dã man ngay trước mặt con trai chừng 5 - 6 tuổi, trong khi chị này đang bế một đứa con nhỏ khác vừa mới sinh. Người chồng liên tục chỉ tay, chửi bới vợ đứng ở góc nhà, sau đó hùng hổ vơ lấy chiếc điều khiển ti vi, và những viên sỏi dưới gốc cây ném thẳng về phía vợ. Sự việc được cậu con trai nhỏ chứng kiến, sau đó bị bố đuổi vào trong phòng. Tiếp đó, trong lúc người vợ đang bế theo con nhỏ mới sinh đứng giữa nhà thì bị người chồng lao tới, thẳng tay tát mạnh vào mặt. Lúc này, người vợ quay về phía chồng nói lại gì đó thì tiếp tục bị anh này dùng cả 2 tay tát tới tấp khiến chị ngã xuống nhà, trong tay vẫn ôm chặt lấy đứa bé. Qua xác minh bước đầu, vụ việc xảy ra tại địa bàn quận Long Biên (Hà Nội). Người đàn ông trong clip là Nguyễn Xuân V (SN 1987) và vợ là chị Vũ Thị Thu L. (SN 1992).

Một nạn nhân của bạo hành gia đình được người nhà đưa vào viện kiểm tra vết thương sau khi bị chống hành hung.

Đặc biệt mới đây, ngày 16/9, dư luận bức xúc trước đoạn clip ghi lại cảnh người chồng ở tỉnh Tây Ninh có hành vị bạo hành đánh đấm vợ trước mặt con nhỏ. Theo đó, ban đầu người đàn ông đẩy vợ xuống hồ nước (nơi có máng lượn và cầu trượt dành cho trẻ em vui chơi). Người chồng này sau đó nhảy xuống hồ, dùng sức ghì mạnh vợ xuống nước, thậm chí quật ngã nhiều lần. Anh ta còn đưa tay như thể bóp cổ vợ rồi ấn đầu, dìm xuống nước liên tục. Khi thấy người vợ có ý định bỏ chạy lên bờ, người đàn ông này tiếp tục túm cổ, dìm vợ xuống nước một lần nữa. Bị chồng đánh người vợ cố gắng bám vào lan can để chống cự và leo lên bờ. Chưa dừng lại ở đó, người chồng còn chửi bới rồi đấm thẳng vào mặt vợ rất dã man. Anh ta còn dùng cùi chỏ thúc thẳng vào gáy chị vợ. Đáng nói, mọi chuyện xảy ra trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ. Chứng kiến mẹ bị bố đánh, cậu con trai nhỏ đứng cạnh chỉ biết gào khóc vì sợ hãi, không dám lại gần.

Theo các chuyên gia nghiên cứu xã hội, tuy đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành song công tác phòng, chống bạo hành gia đình đến nay vẫn chưa thu được những kết quả như mong muốn. Ba vụ việc nêu trên chỉ là những vụ việc mang tính điển hình trong số không nhiều vụ việc bạo hành gia đình được công khai trước dư luận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình. Trong đó, nguyên nhân bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... Ðây là nhóm nguyên nhân được nhiều người đồng thuận nhất, bởi ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, do ảnh hưởng của lối sống Á Đông với tư tưởng “xấu chàng hổ ai” nên một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ 'vạch áo cho người xem lưng'. Chị Nguyễn Thị Thanh ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Thực ra chỉ khi nào không thể chịu đựng nổi những hành vi bạo hành của chồng thì phụ nữ mới lên tiếng tố cáo. Bởi phần lớn họ đều có thói quen nhẫn nhịn để giữ cho cuộc sống yên ổn, tránh điều tiếng cho gia đình”.

Cần có sự chung tay của toàn xã hội

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ. Trước hết, tình trạng bạo lực gia đình đã trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người mà đối tượng bị tác động chủ yếu là phụ nữ (người vợ), bạo hành gia đình đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Đối với những vụ bạo hành gia đình trong đó hành vi hành hung vợ được thực hiện trước mặt con trẻ thì sẽ để lại những hậu quả hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp các cháu nhỏ đã không chịu được thực tế bố hành hung mẹ đã bỏ nhà đi lang thang và bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hành vi phạm pháp.

Cần nhiều giải pháp phòng chống nạn bạo hành gia đình.

Trao đổi về tình trạng bạo hành gia đình, Luật sư Nguyễn An Bình - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến bạo hành gia đình được điều tra truy tố, xét xử còn ít do các hành vi bạo hành xảy ra trong nội bộ gia đình; nạn nhân bị chi phối bởi rào cản về đạo đức, tình cảm gia đình nên thường chọn giải pháp im lặng, không tố cáo, vì vậy các hành vi bạo lực gia đình thường không bị phát hiện kịp thời và ít được xử lý ở cấp cơ sở. Không ít vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ. Vì vậy tính phòng ngừa răn đe hạn chế.

“Nhìn từ góc độ pháp lý, hành vi bạo hành gia đình là hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013; vi phạm pháp luật về Phòng chống bạo lực gia đình, luật Hôn nhân và gia đình, luật Bình đẳng giới. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định về các tội liên quan đến cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội ngược đãi vợ, con với những hình phạt rất cụ thể... Đây là cơ sở để xử lý nghiêm minh các hành vi bạo hành gia đình”, Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn những vụ việc bạo hành gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống bạo hành gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Trong đó, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Hoạt động truyền thông cần nêu rõ nguyên nhân bạo lực gia đình là sự bất bình đẳng giới, là tư tưởng"trọng nam khinh nữ", phân biệt địa vị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình.

Đồng thời, cần xây dựng các thiết chế gia đình bền vững. Đây được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Vì vậy đòi hỏi các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể xây dựng được quy chế, quy ước nhằm hạn chế mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc bạo lực gia đình theo các quy định của pháp luật để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe; xem xét nghiên cứu, điều chỉnh các chế tài xử lý những hành vi bạo hành gia đình có tính chất nghiêm trọng.

Gia đình là tế bào của xã hội; mỗi gia đình thực sự yên ấm, hạnh phúc là điều kiện để xây dựng xã hội phát triển. Do đó, cần chung tay phòng, chống tình trạng bạo hành gia đình vì mục tiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”./.

Bài, ảnh: Quang Minh

356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 628
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 628
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87236376