Chống “chạy chức” xuất hiện khi sáp nhập 

(ĐCSVN) – Hiện nay chúng ta đang tích cực, chủ động thực hiện NQTW 6 khóa XII của Đảng về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nhiều cách làm đạt kết quả tích cực. Thực tiễn nảy sinh những vấn đề cần được tháo gỡ, chống “chạy chức” xuất hiện khi sáp nhập.

 

Hình ảnh có tính chất minh họa về sự xuất hiện “chạy chức”  khi sáp nhập - Ảnh:internet

Thực tiễn khi sáp nhập

Cách đây 10 năm việc hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã của tỉnh Hòa Bình, lúc ấy, Hà Tây có 16 sở, 04 ban quản lý, 06 ban đảng, 06 tổ chức chính trị - xã hội, 05 đơn vị tương đương sở, ngành. Hà Nội có 18 sở, 08 ban quản lý, 06 ban đảng, 06 tổ chức chính trị - xã hội và 05 đơn vị tương đương sở, ngành. Một số sở sau khi sáp nhập lại như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đến 13 phó giám đốc; Ban Tổ chức Thành ủy có 2 trưởng, 8 phó...; nhiều ban Đảng, sở, ngành có phổ biến từ 6 đến 8 cấp phó. Như vậy hai đơn vị nhập vào làm một, về nguyên tắc, cán bộ Thường trực Thành uỷ Hà Nội và Tỉnh uỷ Hà Tây do Trung ương sắp xếp; trưởng các sở, ngành của hai địa phương thì một người làm trưởng, một xuống làm phó hoặc điều động nhiệm vụ khác, đây là vấn đề khó khăn nhất “rất khó” và chưa từng có tiền lệ cả đối với người trong cuộc và lãnh đạo các cấp cũng như dư luận nhân dân bàn tán.  Bộ máy “nhân đôi”, nhưng khó khăn thì gấp nhiều lần vì đụng chạm đến tư tưởng, tâm tư cán bộ là vấn đề con người, nếu không giải quyết tốt vấn đề tư tưởng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho bộ máy không thể vận hành bình thường được.

Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, bài bản, chính xác, cách làm công khai, dân chủ, đúng nguyên tắc của Thành uỷ Hà Nội đã phần nào thông suốt tư tưởng và giải tỏa tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã từng phát biểu: “Ai bảo Hà Nội to hơn Hà Tây, quan trọng hơn Hà Tây, thủ trưởng của Hà Tây chỉ làm phó cho Hà Nội, không có quy định nào như thế. Nhưng quả thật để việc sắp xếp thành công tôi cho rằng, còn có cả sự hy sinh sự nghiệp cá nhân của không ít người”. thời kỳ đó “không có đơn thư khiếu nại lên thành phố hay Trung ương”...

Vừa qua, Bộ Công an cũng đã tích cực chủ động, quyết liệt tinh giản, sắp xếp lại bộ máy có thể gọi là “cách mạng” về bộ máy. Về những tác động khi triển khai, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng sẽ có những khó khăn nhất định như phát sinh bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý, khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy hay việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ...Thực tế so với bộ máy tổ chức cũ, Bộ Công an giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp Cục, gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở công an địa phương, sau khi sáp nhập 20 cảnh sát PCCC vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức sẽ giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp Đội. Và như vậy có người làm trưởng sẽ phải làm phó, có người làm Tổng cục trưởng sẽ phải làm Cục trưởng, còn các Phó tổng cục trưởng cũng phải làm cục phó hoặc điều động nhận nhiệm vụ khác, tương tự như cấp trưởng phó phòng cũng vậy. Với cách làm như vậy nhiều người không giữ cấp trưởng, sẽ có nhiều người xuống cấp phó và hiện nay có đơn vị đến nhiều phó…đây có thể nói là quyết tâm rất lớn của toàn ngành, đồng thời còn có cả sự hy sinh sự nghiệp cá nhân của không ít đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh lực lượng công an đã đi đầu, gương mẫu trong triển khai thực hiện 2 Nghị quyết trên. Tổng Bí thư lưu ý, cần làm từng bước cho chắc chắn, chỗ nào chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng rồi thì triển khai làm.Việc này đụng chạm ghê gớm, quân số như thế chuyển đi đâu, công an cấp xã như thế nào, tình hình sắp xếp lại đội ngũ, cần chú ý từng bước đi cho chắc chắn.

Trong sáp nhập đặt ra rất nhiều vấn đề, tuy nhiên có một nội dung mà dư luận đặc biệt quan tâm đó là, hai hoặc ba đơn vị sáp nhập vào một sẽ chỉ có một đồng chí làm trưởng còn lại làm phó, câu hỏi đặt ra là có tâm tư gì không, tất nhiên là không chỉ có tâm tư mà còn rất tâm tư là đằng khác. Do vậy xuất hiện tình trạng nhiều nơi ngại việc sáp nhập, tinh giản biên chế, bởi điều đó đồng nghĩa với việc mất “ghế”, không còn giữ chức trước đó, đụng chạm đến "lợi ích" cá nhân. Như vậy dễ xuất hiện những câu chuyện “chạy chức”, "chạy quyền"... Vậy làm như thế nào để hạn chế tình trạng này?

Chống “chạy chức” xuất hiện khi sáp nhập

Trong một phát biểu mới đây tại Hội nghị toàn quốc do Bộ Nội vụ tổ chức góp ý Dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Lê Đình Sơn cho biết, trong số 63 xã phải nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại là một chứ không phải 2 xã, “Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều, 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3. Vậy phải có một nội dung bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được, 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó!”, ông Lê Đình Sơn băn khoăn.

Đồng quan điểm của Bí thư Hà Tĩnh đồng chí Nguyễn Đắc Vinh Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: “Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”.

Chia sẻ về vấn đề này Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Trọng Thừa cho rằng dư luận rất quan tâm về tình trạng “chạy chọt” để giữ vị trí,” chạy” để nhập,” chạy” để không nhập. “Ý kiến của dư luận là hoàn toàn chính đáng và giúp việc xây dựng đề án trước khi trình các cấp có thẩm quyền chặt chẽ, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định vấn đề chọn người thế nào, 2 ông chủ tịch UBND xã sáp nhập còn 1 ông thì chọn ông nào là phải theo một quy trình rất chặt chẽ. “Hiện nay nói thật, nhiều cái chúng ta định tính nghe rất tốt. Nào là đề nghị, tăng cường nọ kia, giữ ổn định, có tính kế thừa, đảm bảo chính sách cán bộ… nhưng phải lượng hoá được và đưa ra trường hợp cụ thể. Nghĩa là khi có bất cứ trường hợp nào xảy ra đều có phương án xử lý hiệu quả, hợp lý”, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: “Phải làm nghiêm túc, chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ cán bộ, phân công phân cấp với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người và “quyền lợi” từng cá nhân, do vậy không thể nóng vội, “một nhát ăn quan”. Tuy nhiên, không thể “lùi”, càng không thể để “chạy” chức quyền “sống lại”. Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa cũng lưu ý, việc này có liên quan đến tính đồng bộ của chính sách. Ví dụ như có đồng chí đang làm chủ tịch, lãnh đạo, sáp nhập không làm nữa, sắp xếp thế nào thì phải có hướng dẫn.

 Đồng chí Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ cho biết, để chống "chạy chức chạy quyền", khi sáp nhập, trong đề án Bộ Nội vụ xây dựng có đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện sáp nhập. “Một trong những nội dung đề án đặt ra là sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để bảo đảm bố trí những người đủ phẩm chất”, đồng chí Phan Văn Hùng thông tin.

Ngoài ra, đồng chí Phan Văn Hùng cũng cho biết, đề án còn nhấn mạnh đến việc chính quyền  địa phương các cấp chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi chuyển đổi giấy tờ liên quan và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát khi sáp nhập. “Làm tốt 10 giải pháp này, cũng như thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp thì chúng tôi tin rằng việc triển khai sẽ đồng bộ và đạt kết quả tốt”.

 Về việc sáp nhập 2 sở làm 1 thì sẽ chỉ có 1 “ghế” 2 giám đốc thì xử lý thế nào? Có ý kiến cho rằng, nên áp dụng cơ chế thi tuyển cạnh tranh. Khi ấy sẽ có hội đồng xem xét năng lực của 2 giám đốc đó. Đồng thời xem 2 người này có được qui hoạch hay không và xem xét quá trình, năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ giữ chức giám đốc sở cũng như năng lực trình bày chương trình hành động của mình nếu được làm giám đốc sở sau khi sáp nhập. Kết hợp 2 điều này để xem xét bổ nhiệm giám đốc mới đảm bảo khả năng điều hành đơn vị mới tốt hơn.

Có thể thấy việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị TW 6 khóa XII đã và đang diễn ra khẩn trương và quyết liệt nhiều địa phương đơn vị đã chủ động, có sáng tạo song cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền đoàn kết, thận trọng có cách làm phù hợp không nóng vội. Đồng thời thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cần thực hiện tốt công tác tư tưởng, phải đồng lòng nhất trí cao. Tuy lúc đầu có nhiều ý kiến nhưng bây giờ đã ra được nghị quyết rồi, đã quyết rồi thì phải làm, không bàn đi bàn lại và trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới./.

Nguyễn Minh

480 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1248
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1248
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87146349