Trước đó, xã A Bung xây dựng 3 chòi bảo vệ rừng, đặt ở 3 thôn Cựp, A Bung, La Hót, mỗi chòi trị giá 15 triệu. Ngày 3.10, chòi đặt tại thôn A Bung bị xô đổ. Sau đó, xã A Bung sửa lại chòi thì đoàn công tác của xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến, yêu cầu dừng dựng chòi.
“Chúng tôi đã giải thích chòi nằm trong địa phận xã A Bung" – ông Hồ Văn Pườm - Chủ tịch xã A Bung, thông tin.
Tiếp đó, chòi được giao cho 47 hộ dân thôn A Bung (có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng) quản lý. Đến ngày 6.10, chòi canh bị xô đỗ, cưa xẻ hư hỏng nặng.
Biển “Đội bảo vệ rừng thôn A Bung” bị đốt cháy và đóng 1 tấm ván lên trên khiến người dân A Bung phẫn nộ. Ảnh: Hưng Thơ.
Chòi bị cưa máy xẻ dọc, xẻ ngang, các tấm ván cũng bị gỡ ra. Ảnh: Hưng Thơ.
Trong khi đó, ông Hoàng Tô Ni Soan – Phó Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy khẳng định, chòi được dựng trên phần đất do xã Hồng Thủy quản lý. Xã nhận được tin báo ông Hồ Văn Diên (thôn 7, xã Hồng Thủy) có tháo chòi vì chòi dựng trên phần đất của gia đình ông. “Việc chòi bị cưa, bị đốt thì chưa xác định được đối tượng” – ông Ni Soan nói.
Cạnh địa điểm đặt chòi bảo vệ rừng, rất nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ từ lâu và đang được cưa xẻ. Ảnh: Hưng Thơ.
Ông Hồ Văn Cưa – Trưởng Công an xã A Bung nói: “Chòi bị phá không chỉ xâm phạm tài sản nhà nước, mà còn coi thường phong tục của đồng bào Pa Cô”.
Gỗ được xẻ, những hộp vuông mới được lấy đi. Ảnh: Hưng Thơ.
PV đến địa điểm chòi bảo vệ rừng bị phá thuộc tiểu khu 758 thì chứng kiến cạnh chòi có một con đường mòn, xuất hiện nhiều cây rừng đã bị cưa đổ từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cây đã được cưa thành khúc, xẻ thành hộp gỗ rồi đưa ra khỏi cửa rừng...
Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa xã A Bung và Hồng Thủy do lịch sử để lại. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 762/TTg, trong đó nêu: “Tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chuyển giao nguyên trạng xã Hồng Thủy (bao gồm cả vùng đất Đông Sơn, xã Hồng Thủy cũ) thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế về huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị quản lý”.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, xã Hồng Thủy có kiến nghị được tiếp tục sinh hoạt ổn định ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháng 11.2017, Chính phủ đã có tờ trình về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị gửi Quốc hội để xin ý kiến, quyết định.