Chỗ dựa vững chắc của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển đảo 

Biên phòng - Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng BĐBP đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển đảo và nhân dân cả nước.
12dc_22a

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu giúp dân làm đường giao thông liên bản. Ảnh: Bảo Bình

Từ những mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội…

Với khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã kiên trì bám cơ sở, chủ động tìm cách làm, mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào ở biên giới. Hiện nay, BĐBP đang tham gia hỗ trợ 568 xã biên giới xây dựng nông thôn mới, trong đó, đã hoàn thành 5 nhóm tiêu chí hỗ trợ cho 172 xã, phường, thị trấn biên giới.

Một số đơn vị khởi xướng, triển khai các mô hình hiệu quả như: Khu dân cư văn hóa biển (BĐBP Đà Nẵng); Quy hoạch cụm dân cư bản Làng Ho (BĐBP Quảng Bình); Thắp sáng đường quê (BĐBP Đắk Lắk); Vận động nhân dân di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà (BĐBP Cao Bằng, Quảng Ninh); Nhận “đỡ đầu” từ 1 đến 2 xã nông thôn mới (BĐBP Hà Tĩnh); “Du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững” (BĐBP Hải Phòng)... Ngoài ra, BĐBP các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế còn triển khai giúp đỡ 5 cụm, điểm dân cư biên giới của Lào phát triển kinh tế - xã hội, bàn giao gần 100 nhà Hữu nghị cùng hàng chục công trình dân sinh khác cho bà con.

Lực lượng BĐBP cũng có nhiều chương trình mang tính nhân văn cao, tri ân đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” được Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân thực hiện đã xây dựng được 6.901 căn nhà với tổng trị giá 241 tỷ đồng và làm 272 công trình dân sinh với tổng trị giá 40,8 tỷ đồng cho đồng bào. Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do BĐBP chủ trì đã trao tặng 24.766 con bò giống với tổng kinh phí khoảng 370 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số đơn vị BĐBP còn chủ động, sáng tạo thực hiện các mô hình như “Ngân hàng bò-chung sức cùng đồng bào nghèo xây dựng nông thôn mới”, “Nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản”... tại một số địa phương và hỗ trợ bà con quản lý, chăm sóc đàn bò hiệu quả. Những phương pháp, cách làm phù hợp với tình hình thực tế ấy đã góp phần giúp cho các hộ nghèo có nhà ở kiên cố, giúp họ nhanh chóng thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực biên giới, biển, đảo.

BĐBP còn tiến hành xây dựng các đề án củng cố cơ sở chính trị, địa bàn, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về biên giới, hải đảo. Tiêu biểu là các chương trình: Đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường xã; “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Toàn lực lượng BĐBP đã ra sức giúp dân nâng cao trình độ dân trí, góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và củng cố cơ sở chính trị ở vùng biên giới, biển, đảo vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo.

…Đến bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số

Cùng với việc tham mưu cho chính quyền địa phương trong củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, năm 2009, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Kế hoạch số 884/KH-BTLBP về việc triển khai các đề án: “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở Lai Châu; “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” ở Nghệ An và “Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt” ở Quảng Bình, Hà Tĩnh...

Qua khảo sát cho thấy, dân tộc La Hủ là một trong 5 dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển của tỉnh Lai Châu, sống rải rác ở 31 bản thuộc 7 xã phía Bắc huyện Mường Tè với 1.269 hộ/6.483 khẩu. Dân tộc Chứt có khoảng 9.000 người sống tại một số huyện biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình và một nhóm Mã Liềng sống tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Tộc người Đan Lai có gần 900 người sinh sống tại 2 bản Búng và Cò Phạt, thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Các dân tộc này phải đối mặt với tình trạng lạc hậu nghiêm trọng, bởi lối canh tác giản đơn, du canh, du cư và ít có quan hệ với các cộng đồng người lân cận. Hầu hết các bản đều trong tình trạng không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, không thông tin, không thủy lợi... Vì lẽ ấy, các dân tộc La Hủ, Chứt, Đan Lai luôn nghèo đói và đại đa số không biết nói tiếng phổ thông.

Triển khai thực hiện các đề án, BĐBP các tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ về từng bản làng của bà con, trực tiếp cầm tay chỉ việc và vận động người dân tăng gia sản xuất, đổi mới phương thức canh tác, xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực từ các quỹ, nguồn tài trợ của các đơn vị, cá nhân hảo tâm... để tiến hành đầu tư giúp các dân tộc La Hủ, Chứt, Đan Lai xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

pucb_22b

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La dạy chữ cho đồng bào vùng biên. Ảnh: Bảo Bình

Từ năm 2009 đến nay, BĐBP đã huy động gần 100 tỷ đồng và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư, hỗ trợ cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, sắp xếp lại dân cư, xây dựng nông thôn mới cho đồng bào La Hủ, Đan Lai và Chứt. Cùng với đó là hàng nghìn ngày công của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong suốt nhiều năm bám bản, bám dân để cùng bà con xây dựng cuộc sống mới.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện các đề án, đến nay, đời sống của các dân tộc, tộc người nói trên đã dần đi vào ổn định. Các hộ dân cơ bản được BĐBP hỗ trợ làm nhà bán kiên cố, phát triển sản xuất và hỗ trợ lương thực, thực phẩm vào mùa giáp hạt, lúc thiên tai. Nhân dân được khám chữa bệnh định kỳ, trẻ em được đi học. BĐBP các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... hiện vẫn đang tiếp tục giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục, hôn nhân trực hệ, di cư tự do...

Qua thực hiện đề án, nhận thức của nhân dân đã được nâng lên về mọi mặt. Bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo, khiến “diện mạo” của các dân tộc đã được đổi thay; tạo lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và BĐBP. Bà con ngày càng đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế-xã hội, thu hẹp khoảng cách với các dân tộc anh em.

Bảo Bình

487 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 614
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 614
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77460364