Trước thềm Techfest 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về sự kiện này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. (Ảnh: BL)
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hiện nay hoạt động đổi mới sáng tạo đang diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng cùng với đó người ta vẫn thấy thiếu đi sự kết nối. Cùng với thông điệp “Kết nối đổi mới sáng tạo” của Techfest năm nay, Bộ KH&CN đã có những hoạt động gì nhằm đẩy mạnh sự kết nối này?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Tại các trường đại học, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, sinh viên đang dần dần trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp.Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, sự kết nối là rất quan trọng. Trong Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Đề án 844) có một nội dung rất quan trọng là phải xây dựng được cổng thông tin kết nối.
Để thực hiện việc này, về mặt tổ chức, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo cho Đề án 844 gồm thành phần thuộc các Bộ, ngành, địa phương như Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Ban chỉ đạo với các thành phần đầy đủ như vậy sẽ giúp cho việc tổ chức, điều hành ở các lĩnh vực khác nhau được triển khai nhanh chóng. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai các đề án khởi nghiệp của riêng mình như Đoàn Thanh niên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp…
Đặc biệt là việc chính thức ra mắt cổng thông tin kết nối vào đúng dịp diễn ra Techfest 2017. Cổng thông tin là môi trường tạo sự kết nối giữa các cơ quan làm chính sách, giữa các Bộ, ngành, địa phương, trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, nhà đầu tư và những người làm khởi nghiệp với nhau. Đây là một dấu ấn của Techfest 2017.
Cổng thông tin sẽ cung cấp số liệu các kết quả kết nối trong suốt thời gian qua. Cổng thông tin cũng có toàn bộ cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước, các công nghệ đã được chuyển giao ở Việt Nam. Qua đó những người làm khởi nghiệp quan tâm có thể tìm kiếm trung tâm ươm tạo ở đâu, có những quỹ hỗ trợ nào, nhà đầu tư nào đang ở Việt Nam… để tìm hiểu và kết nối.
Cùng với đó, các thủ tục hành chính, khuôn khổ chính sách, hướng dẫn làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được giới thiệu chi tiết. Cổng thông tin kết nối này hy vọng cung cấp thông tin đầy đủ, cần thiết cho các đối tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp.
PV: Được biết, Bộ KH&CN được Thủ tướng giao là cơ quan đầu mối chủ trì Đề án 844, vậy vai trò của người chủ trì sẽ được thể hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Chúng tôi đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong và ngoài nước. Không phải chúng ta làm khởi nghiệp một cách tự phát mà trong quá trình khởi nghiệp cần phải có kiến thức, kỹ năng. Những việc đó đã được đào tạo, rèn luyện tại những trung tâm hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp.
Ví dụ, chương trình Vietnam Silicon Valley VSV đã được hấp thụ từ các giáo trình của Mỹ để đưa về Việt Nam… Điều đó cho thấy, chúng ta đã đào tạo khởi nghiệp theo mô hình của những nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Israel… Chúng ta đã và đang làm khởi nghiệp theo tinh thần của các nước trên thế giới. Điều mà chúng ta cần làm là phát động tinh thần khởi nghiệp đó cho người Việt Nam, dám làm, dám chấp nhận với thất bại không chỉ lần 1, lần 2 mà cả những lần sau để đi đến thành công.
PV: Thưa Thứ trưởng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp là kiến thức hay kỹ năng?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Theo tôi, đó là kỹ năng. Kể cả những nhà đầu tư cũng phải có kỹ năng. Trong xã hội, họ là những người có tiền nhưng có thể họ không biết cách đầu tư vào khởi nghiệp như thế nào cho hiệu quả. Người làm khởi nghiệp cũng cần có kỹ năng phát triển doanh nghiệp, điều hành nó, đưa sản phẩm ra thị trường…
Thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp là thu được tiền từ thị trường và kêu gọi được nguồn đầu tư từ các quỹ đầu tư. Điều này phải được đào tạo, bồi dưỡng và phải được những người thành công, chuyên gia giỏi hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình ươm tạo khởi nghiệp. Chính vì vậy, trong đề án, hoạt động hỗ trợ, đào tạo được chú trọng rất nhiều.
PV: Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công đều có sự đứng sau của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, việc hình thành các quỹ này đã và đang được tiến hành như thế nào? Có khó khăn trở ngại gì không thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đây là điều mà cả cộng đồng khởi nghiệp quan tâm. Việc hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp có thể đưa vào trong Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, chúng tôi đang đưa vào nội dung hướng dẫn việc thành lập, hoạt động và quản lý quỹ.
Nếu không có những quy định trong Luật thì như trước đây, cứ 100 dự án đầu tư chỉ có 4 - 5 dự án thành công, số dự án còn lại thất bại được cho là do nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước không hiệu quả. Thậm chí người quản lý nguồn quỹ đó còn bị cho là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, số dự án thành công có thể sẽ đem lại nguồn lợi lớn hơn rất nhiều so với số đã đầu tư. Hiện nay, việc quản lý quỹ này sẽ được quy định trong nghị định hướng dẫn luật, khi đó khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này sẽ thuận lợi.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bích Liên