Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa quán triệt, triển khai những nội dung theo Kết luận 66-KL/TW và Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư.

Chiều 17/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện và Kết luận 66-KL/TW của Ban Bí thư về tổng kết việc thực hiện theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu của các tỉnh ủy, thành ủy trong toàn quốc.

Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo các trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, giảng viên các trung tâm chính trị cấp quận huyện của thành phố Hà Nội.

Tại điểm cầu các địa phương, có lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo và chuyên viên phòng lý luận chính trị và lịch sử đảng; lãnh đạo trường chính trị tỉnh, thành phố; lãnh đạo ban tuyên giáo cấp huyện; lãnh đạo, giảng viên chuyên trách các trung tâm chính trị cấp huyện trong toàn quốc.

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) Mai Yến Nga báo cáo đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã trực thuộc tỉnh.

Theo đó, thời gian qua, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ; quan tâm, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bình quân mỗi năm học, các trung tâm trong cả nước mở được hơn 74.000 lớp với hơn 4,2 triệu học viên tham gia.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có lúc chưa tương xứng với vị trí, chức năng của trung tâm và yêu cầu về công tác cán bộ hiện nay. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều trung tâm còn thiếu biên chế, nhất là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu dạy, học và nghiên cứu khoa học...

Cũng tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Thị Phương Hoa quán triệt, triển khai những nội dung theo Kết luận 66-KL/TW của Ban Bí thư về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW và quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện.

Theo Kết luận 66-KL/TW của Ban Bí thư, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đổi tên trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thành trung tâm chính trị cấp huyện. Kết luận cũng quán triệt cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; bảo đảm kinh phí theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng; phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn...

Bên cạnh đó, Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư cũng nêu rõ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, con dấu, thể thức văn bản, văn bằng, chứng chỉ... của trung tâm chính trị cấp huyện. Quy định được ký và có hiệu lực từ ngày 8/11/2019, thay thế Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư khóa X.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Trường Giang khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu quan trọng trong 4 khâu của công tác cán bộ, trong đó, đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, nên phải thực hiện thường xuyên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa công dân với Nhà nước; trong việc phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ cơ sở, tạo dựng các phong trào cách mạng của quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm sâu sát, chỉ đạo trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó, có đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng các cấp quan tâm. Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bình quân mỗi năm, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong cả nước mở được hơn 76,4 nghìn lớp với hơn 4,2 triệu lượt học viên; có 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về những vấn đề lý luận mới, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. “Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của trung tâm trong việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh” – đồng chí Bùi Trường Giang nhấn mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn, bền vững hơn về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng trung tâm chính trị cấp huyện trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, Ban Bí thư giao đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW.

Đồng chí Bùi Trường Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Trên cơ sở của Đề án, ngày 8/11 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 66-KL/TW về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW và Quy định 208-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện. Đây là hai văn bản quan trọng, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; tạo tiền đề, điều kiện để đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện trong tình hình mới.

Đồng chí Bùi Trường Giang đề nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị ở tất cả các điểm cầu nắm vững nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của hai văn bản; xây dựng đề án tổng thể để tổ chức thực hiện sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tiễn. Từ đó, xác định rõ lộ trình, nguồn lực để nhanh chóng triển khai đồng bộ, hiệu quả Kết luận 66-KL/TW và Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư./.

 
Hiền Hòa