|
Sản phẩm thép cacbon cán nguội dạng cuộn. Ảnh minh hoạ. |
Việc chính thức tiến hành điều tra này dựa trên cơ sở yêu cầu của 3 công ty đại diện cho ngành sản xuất thép cán nguội Việt Nam gồm: Công ty TNHH Một thành viên Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL, Công ty TNHH Posco – Việt Nam và Công ty Cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam.
Các công ty này đã cáo buộc các sản phẩm thép không hợp kim hoặc hợp kim được cán phẳng ở dạng cuộn hoặc dạng tấm, có bề rộng dưới 1.600mm, độ dày từ 0,108mm đến 2,55mm, đã được ủ hoặc chưa được ủ, được phủ hoặc được tráng với chất vô cơ hoặc chưa được phủ hoặc tráng và chưa được gia công quá mức cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam.
“Biên độ bán phá giá là 21,3%. Hành vi bán phá giá này là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép cán nguội của Việt Nam”, các doanh nghiệp cho biết.
Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: Hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc; thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nguội Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nguội.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết tới Bộ Công Thương để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
* Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương cũng vừa quyết định gia hạn thời hạn ban hành quyết định điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cacbon cán nguội (ép nguội), dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 3/5, Cục Phòng vệ thương mại nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép các bon cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm. Ngày 20/6, Cục đã ban hành công văn số 486/PVTM-P1 xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.
Như vậy, tính đến nay, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị Việt Nam tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Cụ thể: Các sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm; một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu); một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polymer từ propylen.
Phan Trang