Sau 10 năm, hầu hết các mục tiêu của Nghị quyết đã đạt và vượt
Ngày 16/9, Ban cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Nhiều điểm sáng trong bảo đảm các chính sách xã hội
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Cụ thể, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn gồm: Nhà ở cho người có công; trợ giúp xã hội; trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; tỉ lệ đi học đúng tuổi; bảo hiểm y tế; tiêm chủng mở rộng.
16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020 gồm: Mức sống gia đình người có công; mức trợ cấp người có công; thất nghiệp chung; thất nghiệp thành thị; giảm nghèo chung; giảm nghèo tại các huyện, xã có tỉ lệ nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo; trợ giúp xã hội đột xuất; trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi; người biết chữ từ 15 tuổi; lao động qua đào tạo; tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi; phòng chống lao; phủ sóng phát thanh truyền hình; đài truyền thanh xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đáng chú ý, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỉ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hằng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách.
Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020).
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệch mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại. Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động.
Hướng đến an sinh xã hội toàn dân vào năm 2030
Bà Gulmira Asanbaeva, quyền đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội. Chúc mừng những thành công của Việt Nam, song bà cho rằng phía trước còn những thách thức quan trọng đòi hỏi cần phải quan tâm thường xuyên và sự nỗ lực hơn nữa để tiếp tục hướng tới việc mang lại an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
Bà cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của ILO trong việc chung tay với Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐTB&XH và các đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn chung về Việt Nam, một quốc gia về an sinh xã hội toàn dân vào năm 2030.
Chia sẻ những giải pháp trọng tâm để việc thực hiện chính sách xã hội đi vào nền nếp, có chiều sâu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Lê Văn Lương cho rằng, trong tuyên truyền cần đổi mới phương thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dễ nhớ, dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề về chính sách xã hội. Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện công tác an sinh xã hội…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng cho biết, hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (nửa đầu năm 2023).
Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Thu Cúc