Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động,
linh hoạt. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nội dung này được công bố tại buổi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/6.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, để đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối…, Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính và giảm nợ xấu.
Trong những tháng đầu năm 2018, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt.
Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6% - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung – dài hạn khoảng 9% - 11%/năm. Riêng đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ ở mức 4% - 5%/năm.
Theo ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018. Hiện các ngân hàng thương mại cơ bản xây dựng xong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác…
Cùng đó, việc thanh tra, giám sát ngân hàng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng; triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”.
Liên quan đến lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ vào phát triển hạ tầng lỹ thuật thanh toán và tăng cường an ninh, bảo mật, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Thống kê đến tháng 3/2018, toàn quốc có 17.887 ATM và 278.768 POS đang hoạt động, chưa kể một số lượng lớn các giao dịch chấp nhận thẻ trực tuyến.
Ngoài ra, các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhất là những phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin như thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng…/.
Mỹ Phương/TTXVN