Chính sách tài khóa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển 

(ĐCSVN) - Thời gian qua, bên cạnh các yếu tố khác, chính sách tài khóa luôn là yếu tố tác động quan trọng đến cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đáng kể trong tạo dựng niềm tin, sự lạc quan cho doanh nghiệp trong mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, Bộ Tài chính rất nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được cập nhật, sửa đổi kịp thời theo hướng giảm thuế suất, tăng cường ưu đãi thông qua miễn thuế; gia hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN…

Cụ thể, theo ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã chú trọng các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Ngoài các chính sách miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường như: Giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông xuống còn 20% từ năm 2016, ưu đãi thuế có thời hạn, miễn thuế từ 2 – 4 năm và giảm tiếp 50% từ 5 – 9 năm theo địa bàn, theo lĩnh vực được áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu từ thực hiện dự án đầu tư mới; Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với các doanh nghiệp có dự án mới ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, doanh nghiệp công nghệ cao..., danh mục nhóm hàng hóa có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng cũng được bổ sung đối với nguyên vật liệu, linh kiện, bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chú trọng ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp: doanh nhiệp khởi nghiệp được áp dụng thuế suất thuế TNDN thấp đối với doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư; doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Miễn thuế đối với một số khoản thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm; Cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.

Nhà đầu tư tham gia vào doanh nghiệp khởi nghiệp cũng  được hỗ trợ về thuế trong chuyển nhượng vốn với thuế suất 20% tính trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp (áp dụng cho cả tổ chức và cá nhân). Doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được hỗ trợ thông qua giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn từ 15% - 17% theo dự thảo nhằm hỗ trợ cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã có  chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất thông qua các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Bên cạnh các chính sách thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp Bộ Tài chính còn tích cực trong cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các biện pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong ngành Thuế, Hải quan đã và đang triển khai gồm: Bãi bỏ một số TTHC rườm rà (năm 2016 đã bãi bỏ 92 TTHC); Giảm số lần kê khai và nộp thuế GTGT từ 12 lần xuống còn 4 lần/năm, thuế TNDN từ 5 lần/năm xuống còn 1 lần/năm đối với người nộp thuế có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm liền trước từ 50 triệu đồng trở xuống; Tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng (hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các chi cục thuế trực thuộc với 623,7 nghìn doanh nghiệp tham gia, đạt 99,8% tổng số doanh nghiệp kê khai, 97,9% số  doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020; Áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (VNACCS/VCIS) tại tất cả các đơn vị hải quan, đảm bảo chất lượng, không làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp.

Những nỗ lực cải cách trong quản lý hành chính thuế, hải quan đã góp phần giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực thuế, xuất nhập khẩu. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2017, Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2017), trong đó chỉ số nộp thuế xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2017), đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN.

Vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn

Bên cạnh những nỗ lực đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chính sách tài chính tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhưng thực tiễn vẫn cho thấy một số tồn tại cần tháo gỡ như: Cơ chế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn là chính sách chung chung, chưa có chính sách đặc thù cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cụ thể như, các doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng thuế suất thuế TNDN phổ thông như các doanh nghiệp khác là 20%, ưu đãi thuế suất hay miễn thuế vẫn theo ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn như các dự án đầu tư mới khác…; Chưa có quy định chính sách thuế phân biệt đối với nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp khi chuyển nhượng vốn. Bên cạnh đó, vấn đề về TTHC vẫn tiếp tục cần được đẩy mạnh hơn nữa để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp… Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp còn mang tính khuyến khích chung chung, chưa cụ thể dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất, ươm tạo doanh nghiệp... Đối với chính sách chi NSNN cho các chương trình xúc tiến thương mại, tuy đã có những ưu điểm nhưng vẫn còn dàn trải, chưa tập trung, nguồn lực hạn chế, liên kết giữa khâu sản xuất và đầu ra còn yếu kém dẫn đến việc chi hỗ trợ từ NSNN còn chưa hiệu quả cao…

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, nhiều chuyên gia cho rằng  thời gian tới ngành tài chính cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, triển khai thực hiện tốt các luật về thuế đã được Quốc hội thông qua nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện chính sách một cách hiệu quả; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đề xuất chuyển các đối tượng đang không thuộc diện chịu thuế GTGT như: Phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT để doanh nghiệp được khấu trừ chi phí đầu vào; Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT để doanh nghiệp tích tụ vốn đưa vào sản xuất; Nghiên cứu ban hành chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…; Tiếp tục rà soát hoàn thiện các tiêu chí ưu đãi thuế hiện hành để đảm bảo tính minh bạch, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đủ điều kiện có được các ưu đãi cần thiết. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách cần được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ cho các nhà đầu tư khởi nghiệp; Nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử. Đối với lĩnh vực thuế, hải quan cần: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC thuế; Ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra/kiểm tra về thuế; Tiếp tục sửa đổi quy định về hồ sơ hoàn thuế, phần mềm hỗ trợ công tác tự động xây dựng báo cáo hồ sơ hoàn thuế; Triển khai đồng bộ, rộng khắp ứng dụng CNTT; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo việc triển khai đầy đủ Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS)…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để đảm bảo việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách, tạo sự minh bạch, rõ ràng, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước./.

Minh Phương (lược ghi)

372 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1123
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1123
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219259