|
Các diễn giả tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sáng 30/11, tại Techfest 2018, Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái quốc gia hướng tới liên kết khu vực và toàn cầu.
Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Để hỗ trợ phát triển được các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ và các chính sách là thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, các chính sách đúng đắn không chỉ hướng tới việc phát triển, nâng cao chất lượng và kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, mà còn phải hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, liên kết và mở rộng nhanh chóng ra thị trường khu vực và thế giới.
Do đó, vai trò của Chính phủ không chỉ là cơ quan hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời mà Chính phủ còn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều quốc gia đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả.
Thực tế tại Việt Nam thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC… Đã có hơn 40 cơ sở ươm tạo (BI), tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Các hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương cũng đã được xây dựng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như tại các TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... qua đó góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
|
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, đồng thời thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất trên thế giới, Việt Nam cần phải hướng tới và bắt kịp xu thế phát triển, kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu để vươn ra khu vực và thế giới cũng như có chính sách chào đón các nhà đầu tư, start-up đến khởi nghiệp tại Việt Nam.
Diễn đàn chính sách cấp cao lần này là một hoạt động để triển khai tuyên bố chung của các Bộ trưởng ASEAN về đổi mới sáng tạo. Việt Nam mong muốn cùng với các nước trong khu vực cũng như các tổ chức quốc tế cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng để thúc đẩy kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực ASEAN, hướng tới toàn cầu và kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quy mô địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tạo gắn kết giữa khu vực nhà nước và tư nhân
Chia sẻ những kinh nghiệp về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Cơ quan xúc tiến đầu tư Singapore Peter Ong cho biết, Singapore phát triển khởi nghiệp theo cách tiếp cận mở cửa, xây dựng hệ sinh thái với nhiều đơn vị và có chính sách thu hút, kết nối hiệu quả với các start-up đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Singapore là đầu mối hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra mối liên hệ, hợp tác giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Đồng thời, tạo hạ tầng vững chắc cho khởi nghiệp, tạo bệ phóng để start-up phát triển.
Ông Peter Ong khẳng định tầm quan trọng của nguồn vốn trong hỗ trợ khởi nghiệp và quá trình tìm các nhà đầu tư mạo hiểm. Mới đây, Singapore đã đưa ra các mô hình không gian phát triển, tìm các giải pháp thu hút nguồn vốn và phát huy tiềm lực trí tuệ của đội ngũ doanh nghiệp trẻ.
Giám đốc Chương trình Start-up Thái Lan Pariwat Wongsamran cũng chia sẻ kinh nghiệp trong việc xây dựng và vận hành chương trình khởi nghiệp quốc gia từ năm 2016. Thái Lan hiện có 30 tổ chức phối hợp để xây dựng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, mỗi năm có khoảng 38.000 sinh viên, thanh niên có thể xây dựng các ý tưởng sáng tạo, tìm được nguồn tài trợ, biến ý tưởng thành sản phẩm. Tại Thái Lan có hơn 100 công ty lớn tham gia vào hỗ trợ khởi nghiệp và đã thành lập 1 Hiệp hội Start-up để định hướng phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp.
Khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối, hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân, ông Pariwat cho rằng, với sức mạnh tổng hợp từ các thành phần kinh tế, sẽ phát huy được các năng lực, các thế mạnh của các start-up và phát huy tinh thần khởi nghiệp.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chia sẻ về kinh nghiệp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã phát triển nhờ vào chính nội lực tự thân và trí tuệ nội tại. Bên cạnh đó, Thành phố đã có những chính sách hỗ trợ các hoạt động điều phối, la bàn cho sự phát triển của các hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, mô hình Vườn ươm hợp tác công-tư trong ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp cũng mang lại nhiều hiệu quả. Đà Nẵng cũng thực hiện chính sách dành quyền ưu tiên cho các hoạt động khởi nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kết nối hợp tác quốc tế...
Thu Cúc