Chính sách cần ủng hộ cả người ‘buôn thúng, bán mẹt’ 

(Chinhphu.vn) – Ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng không nên quản lý bằng sức mạnh cưỡng chế mà hỗ trợ, giúp nâng cao năng lực của các hộ/cá nhân kinh doanh để họ lớn mạnh.

 

Các hộ kinh doanh là lực lượng kinh doanh đông đảo nhất tại Việt Nam hiện nay. Ảnh: SGGP

Ông Nguyễn Như Chính, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, nhận định tuy có những hạn chế nhưng mô hình hộ kinh doanh lại phù hợp với nguyện vọng của nhiều người Việt - những người kiếm thêm thu nhập hoặc lấy công làm lãi hàng ngày với những hàng, quán nhỏ, “buôn thúng, bán mẹt”, thậm chí không cần đăng ký, kê khai.

‘Thịt cày chú Ba, bia hơi Năm râu’ lên doanh nghiệp đặt tên gì?

Theo ông Chính, quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp như hiện nay là khó kiểm soát cũng như không có chế tài. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, với “nền kinh tế xe máy”, các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố với số vốn đầu tư nhỏ, doanh thu ít thì mô hình kinh doanh “nhỏ hơn doanh nghiệp” rất phù hợp. Các ông, bà chủ không muốn và không có nhu cầu tổ chức hoạt động kinh doanh lớn hơn, việc bắt buộc họ phải hoạt động dưới quy mô doanh nghiệp là không hợp lý.

Do đó, biện pháp hợp lý là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại, bổ sung thêm những quy định về hộ kinh doanh liên quan tới kiểm soát tài chính, doanh thu chứ không phải số lượng người lao động.

Về kiểm soát tài chính, cần phải thực hiện đơn giản về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế để người nộp thuế tự tính tự khai và tự nộp được thuế, minh bạch việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp với sự tham gia của các cấp, ngành trong Hội đồng tư vấn thuế xã phường và sự tham gia giám sát của người dân.

Từ đó, giảm thiểu tối đa tình trạng “thông đồng, thỏa thuận” về mức thuế phải nộp bằng cách hoàn thiện quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo hướng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán và mức thuế khoán trên địa bàn theo các chỉ tiêu kinh doanh.

Vấn đề thứ ba, theo ông Nguyễn Như Chính, là cần đơn giản thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

“Thực tế nhiều hộ kinh doanh hiện nay lại cảm thấy khó khăn nhất là về tên gọi sau khi chuyển đổi. Hàng chục năm họ hoạt động dưới tên gọi cửa hàng chú Ba – chuyên thịt cày, bia hơi Năm râu, giờ chuyển đổi lên doanh nghiệp thì không biết đặt tên ra sao, có được giữ lại tên gọi cũ hay không? Tên doanh nghiệp, tên thương mại, biển hiệu kinh doanh là những vấn đề rắc rối với họ”, ông Chính đặt vấn đề.

Cũng theo vị giảng viên, việc một cá nhân làm chủ gọi là hộ kinh doanh, một nhóm người làm chủ - hộ kinh doanh và một gia đình làm chủ - cũng gọi là hộ kinh doanh là không hợp lý.

Có thể hiểu, khi quy định sử dụng chung tên gọi như vậy là dễ dàng cho quản lý nhà nước đối với nhóm thương nhân không đầy đủ này. Nhưng thực tế sử dụng chung tên gọi đã làm khó cho nhiều hoạt động của hộ kinh doanh cũng như nhiều chủ thể khác.  Khi ngân hàng cho hộ kinh doanh vay, mặc dù giấy phép kinh doanh chỉ là 1 cá nhân làm chủ, nhưng để đảm bảo nghĩa vụ, có ngân hàng đã yêu cầu cả hộ gia đình phải ký tên trong giấy tờ vay tiền của hộ kinh doanh. Vấn đề này cũng tương tự như tên gọi “doanh nghiệp tư nhân” theo Luật Doanh nghiệp.

Theo ông Chính, vấn đề đặt ra là lựa chọn tên gọi phù hợp nào cho hộ kinh doanh hiện nay? Một số quốc gia gọi những đối tượng này là “thương nhân không đầy đủ”. Pháp luật Anh sử dụng khái niệm “thương nhân đơn lẻ (sole trader)” - một hình thức kinh doanh có kết cấu khác với các hình thức kinh doanh khác như hợp danh hay các công ty. Nhưng sử dụng thuật ngữ nào cũng cần phải cân nhắc.

Không nên quản lý bằng sức mạnh cưỡng chế

Còn theo ông Fushihara Hirota, một chuyên gia pháp luật Nhật Bản đang làm việc tại Việt Nam, phải tách biệt rõ ràng hành lang quy phạm cho hai chủ thể có địa vị pháp lý khác nhau là các công ty (pháp nhân) và các cá nhân kinh doanh. Tại Nhật Bản, theo thống kê của Bộ Kinh tế, Công nghiệp, Thương mại, có khoảng 2,2 triệu công ty và 2,2 triệu cá nhân kinh doanh.

Ông này cho rằng, khi pháp nhân (công ty) là chủ thể kinh doanh, họ luôn phải đối mặt với vấn đề cần cai quản (governance), còn đối với một chủ thể cá nhân kinh doanh, đã có pháp luật về đăng ký kinh doanh, pháp luật thuế, lao động và các pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.

Cai quản là câu chuyện chỉ liên quan đến chủ thể là pháp nhân (công ty), bởi những người sở hữu mặc dù góp tài sản vào kinh doanh, nhưng trong rất nhiều trường hợp, họ không tự mình tham gia trực tiếp vào quá trình điều hành hoạt động kinh doanh, mà phải thông qua những nhà quản trị.

Chính vì thế, cần phải có cơ chế bảo đảm để những nhà quản trị doanh nghiệp luôn trung thực và cẩn trọng, hành động với lợi ích của công ty và cổ đông, tránh tình trạng nhà quản trị sẽ làm trái với lợi ích của chủ doanh nghiệp hoặc để tư lợi (trong kinh tế học được gọi là vấn đề người sở hữu - người điều hành (principal-agent problem)).

Đây là căn nguyên ra đời cho pháp luật công ty, với mục đích chính là để bảo vệ các bên có lợi ích liên quan trong quá trình hình thành, hoạt động và cả giải thể của công ty.

Trong khi đó, cá nhân (bao gồm cả nhóm cá nhân - hộ doanh nghiệp) là chủ sở hữu nhưng đồng thời là người kinh doanh thực chất. Họ sẽ sử dụng chính ý chí, suy nghĩ và hành động của mình để thực hiện việc kinh doanh. Do đó không đặt ra vấn đề cai quản với các cá nhân kinh doanh.

Cũng từ góc nhìn này, ông đề xuất nên loại bỏ doanh nghiệp tư nhân khỏi khái niệm doanh nghiệp hiện hành của pháp luật Việt Nam để sự phân biệt trở nên rõ ràng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Fushihara Hirota đề xuất, để thúc đẩy hộ/cá nhân kinh doanh phát triển, cần tăng cường giáo dục ý thức pháp luật. Không nên quản lý bằng sức mạnh cưỡng chế mà cần nâng cao tinh thần tuân thủ, tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, củng cố và xây dựng chính sách thúc đẩy kinh tế cá nhân. Cần thiết xây dựng các khung chính sách riêng nhằm thúc đẩy sức mạnh nội tại của khu vực kinh tế cá nhân. Có các hỗ trợ cần thiết, các ưu đãi cho mô hình cá nhân kinh doanh; giảm triệt để những gánh nặng không cần thiết về vấn đề quản trị.

Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đào tạo tay nghề, nâng cao kỹ năng, thúc đẩy tiếp thu kiến thức cao cho khu vực kinh tế cá nhân là đòn bẩy hữu hiệu nhất để thúc đẩy khu vực này phát triển và đóng góp cho kinh tế nói chung.

“Nhật Bản cũng đã trải qua những giai đoạn như Việt Nam hôm nay, nhưng giải pháp Nhật Bản lựa chọn là nâng cao năng lực của khu vực cá nhân, để họ tự lớn mạnh bằng đầu óc thông minh và cống hiến những kinh doanh hàng trăm năm tuổi”, ông Fushihara Hirota cho biết.

(còn tiếp)

Nhóm phóng viên

557 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 841
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 841
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87002960