Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo này để có thêm cơ sở khoa học và ý kiến chuyên gia nhằm hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới.

 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: ĐT

PGS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ một số vấn đề như: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm mang tính bắt buộc, vậy làm thế nào để mở rộng đối tượng tượng tham gia? Phương thức thanh toán và chi trả BHYT là một vấn đề nóng bởi có sự va chạm của các bên liên quan? Phương thức chi trả theo gói dịch vụ như thế nào, chi trả theo hình thức nào trong tương lai? Làm rõ sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về BHYT? Hệ thống cung ứng dịch vụ có tác động tới thanh toán và chi trả dịch vụ y tế. Chính sách thông tuyến BHYT?…

Luật BHYT được Quốc hội khoá XII thông qua năm 2008, được Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng để BHYT phát triển, triển khai thực hiện với nhiều điểm mới. Những quy định mới đã có tác động sâu sắc đến quyền lợi của người tham gia BHYT và thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân như: Quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc; bổ sung đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình; thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT theo lộ trình; quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT (KCB BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Báo cáo về kết quả thực hiện và khuyến nghị chính sách tại Hội thảo, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) đề xuất cần điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT trong đó Quỹ BHYT nên chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh, khám sàng lọc và chăm sóc sức khỏe ban đầu; mở rộng loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ y tế; người có thẻ BHYT tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu trên nguyên tắc sử dụng hợp lý dịch vụ và quản lý được sức khỏe cá nhân…                   

Chia sẻ mô hình quản lý BHYT ở một số quốc gia, bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, để thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia đều dựa trên một tổ chức quản lý BHYT chuyên nghiệp và áp dụng các mô hình quản lý phân cấp phù hợp. Tùy theo trình độ quản lý và tình hình kinh tế, chính trị, Quỹ BHYT ở mỗi quốc gia có thể được tổ chức theo mô hình đơn quỹ hay đa quỹ.

Trong bối cảnh hệ thống y tế Việt Nam hiện nay, bà Tống Thị Song Hương đề xuất cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT; đảm bảo tính ổn định của hệ thống BHYT đang vận hành và thành lập Hội đồng quốc gia về BHYT do Chính phủ thành lập và được quy định trong Luật. Đồng thời cũng thành lập cơ quan giám định BHYT độc lập để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong sử dụng dịch vụ y tế, thuốc, Quỹ BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, bảo đảm tính tuân thủ các quy định về BHYT, có thể hạn chế hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT; thực trạng, khó khăn chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ các đối tượng chính sách đóng BHYT và đề xuất giải pháp; Mức đóng BHYT và khả năng chi trả của Quỹ BHYT cho các dịch vụ y tế hiện nay và thời gian tới; những vấn đề đặt ra với công tác giám định BHYT; Công tác quản lý nhà nước đối với BHYT; Cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT hiện nay- khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị; Tác động của một số chính sách đối với việc thực hiện chính sách BHYT: chính sách tự chủ bệnh viện, xã hội hóa, chính sách thông tuyến…

Các đại biểu thống nhất cho rằng, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, có nghĩa là không chỉ cần đạt độ bao phủ số người tham gia, mà quan trọng hơn, cần bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân.

Để đảm bảo mục tiêu BHYT toàn dân, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, cần có nguồn quỹ BHYT an toàn, được sử dụng hợp lý…/.

 

 

 

 

 

ĐT