Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sức phục hồi của thị trường lao động được đánh giá là nhanh hơn so với dự báo khoảng 6 tháng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khái quát, tại phiên khai mạc kỳ họp, lãnh đạo Chính phủ đã báo cáo, đề cập tương đối rõ ràng về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cùng với các thành tựu kinh tế, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm, thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, các thể chế; trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ thực sự vượt trội. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhất là trẻ em mồ côi.
Nhiều chính sách an sinh chưa từng có tiền lệ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định. Từ kinh nghiệm của thực hiện Nghị quyết 42/2020, các cơ quan đã rút kinh nghiệm và ban hành nhiều chính sách mới một cách nhanh nhất, thủ tục hồ sơ đơn giản nhất và triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả thiết thực nhất.
Bộ trưởng nêu ví dụ, sau Nghị quyết 30, liên tiếp các Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Quyết định 08 lần lượt được ban hành, đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng tới 56 triệu lượt người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. "Đây là điều chưa có tiền lệ", người đứng đầu ngành LĐTB&XH thông tin.
Bộ trưởng so sánh, không như các nước, tiền được phát đại trà, tại Việt Nam, đối tượng hướng đến của các chính sách đa dạng, lĩnh vực bao quát lại rộng lớn, kinh phí đòi hỏi phải triển khai nhanh. Với một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam, theo Bộ trưởng LĐTB&XH, đó là nỗ lực phi thường.
Bộ trưởng nhận định: "Cách làm này cho đến nay đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, động viên, thu hút người lao động sớm quay trở lại làm việc. Tôi cho rằng những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, cho kết quả ngày hôm nay".
Lực lượng lao động phục hồi nhanh
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua đời sống nhân dân được cải thiện một bước, mặc dù còn một bộ phận khó khăn. Thu nhập bình quân người lao động quý III qua khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4%.
Điều này cho thấy cuộc sống và thu nhập của người lao động, người dân đã dần trở lại bình thường. Thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện, một số vấn đề như nhà ở, nhà trọ, các chính sách an sinh, lưới an sinh, các nhu cầu thiết yếu cũng đã được các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn.
Riêng về chương trình giảm nghèo bền vững, cho đến nay đây là một trong 3 chương trình hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất và đồng bộ nhất. "Chúng tôi đã hoàn thành tất cả các văn bản, thể chế. Đến nay, 48 địa phương theo quy định được Nhà nước hỗ trợ và các địa phương tự cân đối đều đã phân bổ các chương trình, dự án. Các chỉ tiêu giảm nghèo về cơ bản đạt được".
Về lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết, nhìn tổng quát, lực lượng lao động đã phục hồi nhanh. Cách đây một năm, cả nước đang phấp phỏng lo ngại vì dịch bệnh tấn công vào các khu vực công nghiệp, khu chế xuất - thành trì của phát triển kinh tế, lo ngại trước làn sóng 3 triệu người lao động di chuyển từ các cực tăng trưởng về các địa phương, lo sợ về việc đứt gãy chuỗi cung ứng… Nhưng thực tế có thể khẳng định Việt Nam đã không để xảy ra việc đó và trở lại trạng thái bình thường nhanh hơn dự báo. Sức phục hồi được đánh giá là nhanh hơn so với dự báo khoảng 6 tháng.
Hiện thị trường lao động đạt quy mô 51,9 triệu người, tăng cao hơn 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỉ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, tỉ lệ thất nghiệp đến thời điểm này chỉ 2,28%. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp.
Công tác giáo dục nghề nghiệp cũng có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Tỉ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
Bộ trưởng cho hay, điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. Lao động Việt Nam đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí.
Tại cuộc thi tay nghề thế giới ngày 17/10 vừa qua - cuộc thi diễn ra tại Đức, với gần 100 quốc gia tham gia, Việt Nam đạt 2 huy chương bạc, và đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề vướng mắc với việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề.
Hiện cả nước có 63 địa phương đều cho các trường nghề dạy văn hóa, 625 trường nghề vừa tổ chức học nghề vừa học văn hóa, có trên 400.000 học sinh đang theo học chương trình như vậy. Vừa học nghề vừa học văn hóa được xác định là việc phù hợp với Luật Giáo dục và đã được Bộ GD&ĐT cho áp dụng nhiều năm qua. Nhưng mới đây, một cơ quan quản lý nhà nước đã dùng văn bản để khống chế, yêu cầu các địa phương không được thực hiện việc này.
Bộ trưởng đặt vấn đề, thông lệ quốc tế, tại các nước như Mỹ, Nhật, Singapore… các trường nghề đều thực hiện mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa và khẳng định đó là chủ trương đúng. Phần lớn người học chọn học trường nghề vừa tiếp tục học văn hóa là vì không có nhu cầu học cao hơn hoặc gia đình khó khăn. Việc này giúp các cháu sớm tiếp cận thị trường lao động, không nên cản trở.
"Tôi đã báo cáo Thủ tướng và tối qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT cùng tập trung tháo gỡ vấn đề này. Sau đó tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để kết thúc kỳ họp nhất định gỡ xong vướng mắc này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Nhìn thẳng vào những thách thức
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá, công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Cả nước hiện nay còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình theo tiêu chí mới. Đời sống một bộ phận nhân dân có khó khăn, lưới an sinh bao phủ còn thấp, nhất là những vấn đề khó khăn như nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, xã hội dành cho người lao động còn hạn chế.
Mặt khác, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. "Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu. Lao động phi chính thức còn chiếm tỉ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt được chỉ tiêu nhưng ở mức thấp, thấp nhất trong những năm qua. Đây là vấn đề chúng ta phải nhìn nhận một cách đầy đủ và xác đáng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực tế.
Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và phát triển. Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng thị trường lao động theo các định hướng đó, mà nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung-cầu lao động, tăng cường các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.
Mục tiêu đề ra với hoạt động này là tiếp cận với phương thức đào tạo chất lượng cao của những nước hàng đầu thế giới, như Đức, Nhật, Australia, phấn đấu vào top ASEAN 4 và có được số trường đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, góp phần dẫn dắt và lan tỏa với thị trường. Định hướng được vạch ra là thực hiện đào tạo kép, áp dụng cơ chế Nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành, nhất quán chủ trương phân luồng đào tạo sớm, mạnh; nâng cao tỉ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.
Thu Cúc