|
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM sẽ triển khai chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn Thành phố, trước mắt tập trung giám sát và xử lý tốt với biến chủng mới Omicron. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Chính phủ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định, trong năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã sát sao, tích cực chỉ đạo giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn cho phát triển kinh tế các địa phương.
Hầu hết các kiến nghị của tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ như: Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh đại dịch, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập mới một số khu, cụm công nghiệp… Các quyết sách trên đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, kịp thời khôi phục kinh tế-xã hội cho tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương trong cả nước.
Đối với tỉnh Bắc Giang, năm 2021, tỉnh đã vượt qua khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật như: Thực hiện tốt tiêu thụ nông sản với nhiều cách làm sáng tạo (vải thiều xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới; sản xuất nông nghiệp được mùa đem lại thu nhập cao cho nông dân); tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt 7,82%; thu hút đầu tư đạt 1,5 tỷ USD; đời sống nhân dân ổn định. ..
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng chia sẻ, chưa bao giờ niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân với Đảng, chính quyền lại thể hiện rõ như thời điểm khó khăn vừa qua. Nếu nhân dân không ủng hộ, đồng hành thì nhiều chủ trương, chính sách không thể triển khai được.
Một bài học được Bắc Giang rút ra, đó là là chủ động, sáng tạo, không trông chờ mà phải chủ động các giải pháp cấp bách để phát triển kinh tế-xã hội; phân cấp, phân quyền cho các địa phương phòng chống dịch; giải quyết thủ tục hành chính và các nhiệm vụ kinh tế-xã hội để bảo đảm linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn.
Là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cùng với việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch nên đến cuối tháng 9/2021, tình hình dịch tại TPHCM đã được kiểm soát. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành việc tiêm liều vaccine cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên, đang khẩn trương tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.
Bên cạnh nỗ lực phòng chống dịch, Thành phố đã tập trung các nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội, chi trên 12.000 tỷ đồng cho các đối tượng theo quy định. TPHCM đã chủ động ban hành chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025, triển khai chiến lược y tế trên địa bàn. Một tuần qua, số ca nhiễm, tử vong trên địa bàn đã giảm, các hoạt động phục hồi kinh tế dần trở lại bình thường.
“Có thể nói việc quyết định áp dụng một số biện pháp cấp bách, tăng cường lực lượng hỗ trợ kịp thời, lấy xã phường làm pháo đài, đưa chăm sóc y tế đến người dân sớm nhất, nhanh nhất cùng với sự sáng tạo trong phòng chống dịch, phù hợp với tình hình thực tiễn, chăm lo an sinh để an dân và đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp là những nhân tố giúp TPHCM vượt qua giai đoạn khó khăn và cũng rất có ý nghĩa trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay”, ông Phan Văn Mãi cho hay.
Trong chỉ đạo và điều hành, TPHCM đã luôn bám sát các nghị quyết, chương trình trọng tâm. Thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp bộ máy và triển khai chính quyền đô thị, tập trung cao cho các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đạt được kết quả đáng mừng trong điều kiện khó khăn như: Thu ngân sách đạt trên 381.000 tỷ, đạt 104,5% dự toán, thu hút FDI đạt 7,23 tỷ USD (bằng 138,6% so với năm 2020), xuất khẩu tăng 2,8%...
Chia sẻ kinh nghiệm của Hải Phòng, Chủ tịch TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2021, TP. Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép, GRDP đạt 12,38%, các chỉ tiêu quan trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngân sách, chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu vượt nhiều so với kế hoạch và tăng cao so với năm 2020; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước…
Kinh nghiệm của TP. Hải Phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo là bám sát nghị quyết của Đảng, của HĐND Thành phố và nghiêm túc, nhanh chóng thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Thành phố tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân về việc không lựa chọn vaccine phòng COVID-19, vì vậy, Hải Phòng là một trong những địa phương đi sớm trong việc tiêm phòng vaccine, tỉ lệ F0 ở tầng 3 rất thấp.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư công của TP. Hải Phòng cũng như nguồn lực của Trung ương phân bổ cho Thành phố đều tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng đến các địa phương, mở rộng hành lang kinh tế. TP. Hải Phòng cũng chỉ đạo các ngành giải quyết nhanh thủ tục về hành chính phục vụ cho các nhà đầu tư, huy động hệ thống chính trị để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công cũng như của các chủ đầu tư trên địa bàn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đã nêu lên các phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2022 để cụ thể hóa phương châm hành động của Chính phủ.
TPHCM phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% với các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, trong đó, đầu tiên là triển khai chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn TPHCM, trước mắt tập trung giám sát và xử lý tốt với biến chủng mới Omicron, triển khai chiến lược y tế trên địa bàn với 6 giải pháp trọng tâm: Bao phủ vaccine; kiểm soát, cảnh báo dịch bệnh; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; nâng cao năng lực phòng chống dịch, nhất là năng lực của hệ thống y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, TPHCM triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế, tập trung hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực; tiếp tục nâng cao chất lượng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn; tập trung nguồn lực để triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông…
Bày tỏ phấn khởi khi Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường để quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách trong đó có gói hỗ trợ tài khóa và tín dụng, lãnh đạo TPHCM mong muốn Chính phủ cho phép Thành phố nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn theo hướng bổ sung thêm vào ngân sách địa phương các gói hỗ trợ phù hợp với tinh thần khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các cho các địa phương, nhất là trong các lĩnh vực phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây dựng.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục phân cấp cho các địa phương về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch đã được cấp trên phê duyệt; không khống chế diện tích đất lúa đối với một số địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ; sớm điều chỉnh Luật Đất đai để các địa phương được chủ động thu hồi đất theo kế hoạch cũng như quy hoạch được phê duyệt, rút ngắn trình tự thủ tục thu hồi đất để có thể giải phóng mặt bằng ngay phục vụ các dự án…
Hoàng Giang – Gia Huy