Một cuộc họp của Nhóm Công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người
di cư trái phép, mua bán người. (Ảnh:baliprocess.net)
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp Nhóm công tác kể từ khi tham gia Tiến trình Bali vào tháng 2/2002. Trong bối cảnh toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, ngoại giao đa phương tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế ngày càng được đề cao và coi trọng.
Hội nghị là cơ hội góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như vai trò là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề thế giới quan tâm, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và toàn cầu.
Sự kiện này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi ta đã thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) vào tháng 12/2018 với cam kết tăng cường hợp tác quốc tế nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển.
Việc tổ chức Hội nghị trong khuôn khổ Tiến trình Bali sẽ góp phần nâng cao nhận thức chung của tất cả các cơ quan liên quan trong quá trình tham gia xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM do Bộ Ngoại giao đang chủ trì dự thảo.
Tiến trình Bali là tiến trình liên chính phủ về phòng, chống đưa người trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia do Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a và In-đô-nê-xi-a đồng khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 02/2002 tại Bali, In-đô-nê-xi-a.
Tiến trình Bali gồm 49 thành viên, bao gồm cả Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và 27 quan sát viên.
Trong số các tiến trình đa phương về di cư, Tiến trình Bali được thừa nhận là hình mẫu hợp tác khu vực thành công về phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người. Trong quá trình hình thành và phát triển, Tiến trình Bali đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, làm việc, trong đó có Nhóm công tác (được thành lập năm 2009) nhằm xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thực tiễn, góp phần tăng cường hợp tác giải quyết nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Hội nghị quan chức cao cấp Nhóm Công tác Tiến trình Bali được tổ chức thường niên nhằm rà soát, đánh giá tính hiệu quả các hoạt động của Tiến trình để báo cáo tại Hội nghị cấp Bộ trưởng (diễn ra hai năm một lần).
Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia do Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a và In-đô-nê-xi-a đồng khởi xướng (thực chất là do phía Ô-xtơ-rây-li-a tài trợ chính) tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, tổ chức tại Bali (In-đô-nê-xi-a) tháng 02 năm 2002.
Tiến trình Bali gồm 49 thành viên, bao gồm cả Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 27 quan sát viên.
Tiến trình Bali nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác khu vực trong phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, thông qua các biện pháp như: tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực nhằm hợp tác trong vấn đề biên giới và hệ thống thị thực nhằm phát hiện và loại trừ di cư trái phép; tăng cường nhận thức chung để giảm thiểu việc di cư trái phép và mua bán người cũng như cảnh báo các đối tượng dễ bị ảnh hưởng; cung cấp những hỗ trợ và bảo vệ thích hợp cho các nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; chia sẻ thông tin tình báo và các thông tin có liên quan một cách hiệu quả...
Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 3 của Tiến trình tổ chức tháng 4 năm 2009 tại Bali (In-đô-nê-xi-a), các Bộ trưởng đã nhất trí khởi động lại 2 Nhóm Công tác (Nhóm Công tác về Các vấn đề chính sách, khuôn khổ pháp lý và thực thi luật pháp và Nhóm Công tác về Hợp tác quốc tế và Khu vực). Nhóm Công tác tập hợp các quốc gia bị ảnh hưởng nhất và các tổ chức quốc tế liên quan nhằm đối phó với vấn đề mua bán người, đưa người và di cư trái phép trong khu vực.
Nhóm Công tác nhằm mục đích xây dựng và theo đuổi các biện pháp thực tiễn nhằm tăng cường hợp tác khu vực để giải quyết vấn đề đưa người di cư trái phép, buôn bán người và các dòng di cư trái phép. Nhóm Công tác được giao nhiệm vụ cơ bản là thực thi Khuôn khổ Hợp tác Khu vực của Tiến trình Bali.
Đến nay Nhóm Công tác có 19 thành viên: Áp-ga-nít-xtan, Ấn Độ, Ô-xtơ-rây-li-a, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Man-đi-vơ, Mi-an-ma, Niu Di-lân, Pakistan, Phi-líp-pin, Sri Lanka, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hoa Kỳ, Việt Nam, UNHCR, IOM, UNODC.
Việt Nam tham gia Tiến trình Bali ngay từ khi Tiến trình được thành lập. Việt Nam được mời tham gia thành viên Nhóm Công tác lần đầu tiên tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 5 cùng với Phi-líp-pin và Hoa Kỳ (tháng 5/2011). Tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 13 Nhóm Công tác (26-27/6/2018) tại Sydney, Australia, đồng Chủ tịch Tiến trình Bali đã đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm Công tác từ 22-23/7/2019.
Là thành viên của Nhóm Công tác, Việt Nam thường xuyên được mời tham gia các nhóm làm việc về phòng, chống mua bán người, trấn áp triệt phá mạng lưới mua bán người và đưa người di cư trái phép.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị này là dịp để Việt Nam khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống, mua bán người và vai trò thành viên tích cực của ta trong Tiến trình Bali.
Mạnh Hùng