Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và HĐND các cấp trong điều kiện tiếp tục phải điều chỉnh giảm thuế theo cam kết hội nhập khu vực và quốc tế; việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần tác động quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2016.
Chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác quản lý NSNN ở một số đơn vị, địa phương còn một số tồn tại hạn chế; cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục hiệu quả.
Về kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016, Kiểm toán Nhà nước cơ bản nhất trí với Báo cáo quyết toán của Chính phủ, những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp thu, xử lý theo quy định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2015 chuyển sang năm 2016, thu kết dư NSĐP năm 2015, thu huy động đầu tư của NSĐP và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN). Tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017). Bội chi NSNN 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 81.852 tỷ đồng).
Báo cáoThẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, năm 2016 là năm kéo dài của thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015, là năm đầu thực hiện Kế hoạch tài chính, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mới được đặt ra với kỳ vọng sẽ tạo nền tảng, tạo đà phát triển bền vững cho cả giai đoạn.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro cùng với những khó khăn do thiên tai, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung và nhiều yếu kém nội tại đã ảnh hưởng đến sản xuất và tác động mạnh đến việc thực hiện chính sách tài khóa cũng như thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2016.
Trước khó khăn, thách thức đó, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đề ra nhiều giải pháp để chỉ đạo, điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp bảo đảm thực hiện kịp thời các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; mặc dù giá dầu thô giảm sâu và giảm thuế theo lộ trình cam kết quốc tế nhưng tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội quyết định.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBTCNS nhận thấy, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020;…
Nguyễn Hoàng