|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra công tác CCHC tại Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Đây là Hội nghị lớn của Chính phủ với tất cả các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh toàn diện công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, quá trình thực hiện CCHC thời gian qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến. Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã kiểm tra hoặc kết hợp nội dung CCHC tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ-Phó Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra CCHC tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra CCHC theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Từ năm 2011 đến tháng 3/2020, các bộ, ngành đã kiểm tra khoảng 3.484 cơ quan, đơn vị, trung bình 348 cơ quan, đơn vị một năm. Trong đó, năm 2014, các bộ, ngành đã kiểm tra với số lượng các cơ quan, đơn vị lớn nhất là 466 cơ quan, đơn vị. Tại các địa phương, đã có hơn 19.800 cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong cả giai đoạn 2011-2020. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cũng tăng lên qua từng năm, trong đó, năm 2019 có số lượng đơn vị được kiểm tra nhiều nhất với số lượng 2.950 (xem Biểu đồ). Công tác kiểm tra đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trong triển khai CCHC của các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong CCHC đã được xử lý kịp thời sau kiểm tra.
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.
Từ năm 2012 đến nay, việc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả và tác động của CCHC đã được triển khai một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Việc công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được tiến hành hằng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý CCHC, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp. Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục.
Đó là, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thể hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành và một số địa phương. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai còn hình thức, không hiệu quả.
Việc kiểm tra CCHC nhiều lúc chưa hiệu quả, còn hình thức. Việc thông tin, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, một số địa phương chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng xã hội nhận thức về CCHC, kết quả, tác động của CCHC. Việc nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay về CCHC còn hạn chế.
Lê Sơn