Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao chứng nhận "Thương hiệu quốc gia" cho 97 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những tên tuổi lớn như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco); Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist…
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các doanh nghiệp của chúng ta có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2018.
Theo Phó Thủ tướng, những kết quả mà cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia đã đạt được trong thời gian qua là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới đây và là hạt nhân để thúc đẩy các doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, kỳ vọng vào bản lĩnh và năng lực của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị và mong muốn rằng, các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Thương hiệu quốc gia" sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình là: “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”, xứng đáng với thương hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đã trao cho; đồng thời, xứng đáng với niềm tin tưởng, yêu mến của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam.
“Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính tạo môi trường để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.
Thị trường trong nước là trọng tâm, quốc tế là mục tiêu
|
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia 2018. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, năm 2019 và những năm tới đây bên cạnh thời cơ và vận hội do tình hình thế giới và trong nước đem lại thì khó khăn, thách thức còn nhiều. Chính phủ luôn khẳng định vai trò chủ lực và tiên phong của Doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển đất nước.
Để phát huy tối đa vai trò, vị thế của các doanh nghiệp dẫn đầu với những Thương hiệu Quốc gia, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia nói riêng cần bám sát nhu cầu của thị trường trong từng giai đoạn để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh.
“Phải coi trọng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân trong điều kiện sức tiêu dùng ngày càng tăng. Đồng thời mở rộng thị trường khu vực và thế giới; Chú ý phải giữ vững các thị trường truyền thống kết hợp mở rộng các thị trường mới cho sản phẩm hàng hóa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp cần tập trung để tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực về vốn, công nghệ, nhân lực và quản trị doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với quy mô sản xuất, mở rộng mạng lưới phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải quan tâm công tác nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu để tạo nhiều sản phẩm mới, nhiều thương hiệu mới có chất lượng, hiệu quả để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xây dựng, kiến tạo thương hiệu, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Thương hiệu Quốc gia và Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; tích cực phối hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách và nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng, tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
“Tôi hy vọng và mong muốn rằng, trong Lễ vinh danh Thương hiệu Quốc gia lần tiếp theo tới đây, chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp được xướng tên với những Thương hiệu hàng hóa, dịch vụ Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, ngang hàng với các nước trong khu vực và thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Nhà nước không làm thay doanh nghiệp
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chương trình Thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.
Chương trình hướng tới mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Chương trình Thương hiệu quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Đây là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt "Thương hiệu quốc gia" được tiến hành hai năm một lần. Các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn phải có vị thế dẫn đầu ngành và cùng chia sẻ, theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt "Thương hiệu quốc gia" chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
Tham gia vào Chương trình, doanh nghiệp sẽ được hưởng một số quyền lợi, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tự thân doanh nghiệp đã cam kết sẽ liên tục tự hoàn thiện mình, quyết tâm xây dựng và triển khai các chương trình hành động trong doanh nghiệp theo những giá trị của Chương trình. Hai năm một lần, các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được Chương trình đánh giá lại. Chỉ những thương hiệu đáp ứng đủ tiêu chí mới được tiếp tục tham gia Chương trình. Các đơn vị vi phạm các tiêu chí, quy định của Chương trình sẽ không được tiếp tục tham gia.
Xuân Tuyến