Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện 

(Chinhphu.vn) - Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp gọn cho cấp huyện trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm mô hình trồng lúa-nuôi tôm tại xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 30/10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về các chương trình MTQG.

Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn giám sát tối cao 3 chương trình, cảm ơn Đoàn giám sát đã làm việc nỗ lực, trách nhiệm, thực chất và chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp những thông tin có giá trị, đồng thời bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát.

Phó Thủ tướng trân trọng những ý kiến rất trách nhiệm, xây dựng của các đại biểu Quốc hội vì mục tiêu lớn lao là để các chương trình về đích đúng hạn, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Đánh giá chung về tình hình thực hiện các chương trình MTQG từ kỳ họp thứ 5 đến nay, Phó Thủ tướng cho biết đã có những chuyển biến "rất tích cực", đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển cơ bản được tháo gỡ.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã thông báo dự kiến vốn sự nghiệp giai đoạn 2024-2025 cho các địa phương để các địa phương chủ động bố trí phần vốn đối ứng.

Về phân cấp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh từ đầu năm đến nay, tất cả những văn bản được sửa đổi, ban hành, trong đó có Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ, bổ sung Nghị định 27/2022/NĐ-CP, đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực, bởi lẽ chỉ có các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong việc lồng ghép các chương trình trong cùng một cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình.

Đối với tỉ lệ vốn Trung ương-địa phương, Phó Thủ tướng cho biết mỗi chương trình quy định tỉ lệ vốn đối ứng của các địa phương khác nhau. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.

Liên quan đến việc chuyển vốn, Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn năm 2022 đến hết ngày 31/12/2024 để tránh bị cắt nguồn vốn sự nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, trong khi mục tiêu đặt ra rất lớn lao.

Về việc điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, đối tượng, Chính phủ sẽ giải quyết hơn một nửa các vấn đề liên quan đến nội dung này trong tháng 11/2023. Các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.

Liên quan đến nội dung nêu trên, Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Đối với bộ tiêu chí về nông thôn mới nâng cao của Chương trình nông thôn mới, tinh thần là sẽ chỉ có quy định khung, còn một số tiêu chí để địa phương quyết định cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Đối với Chương trình dân tộc và miền núi, thậm chí phải bỏ một số nội dung khi không còn đối tượng nữa, không còn hợp lý để dành nguồn vốn cho các chương trình khác. Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, trước mắt sẽ sửa Nghị định 156/2018/NĐ-CP, sau đó đề xuất sửa đổi Luật Lâm nghiệp.

Ghi nhận có tình trạng không muốn đạt chuẩn nông thôn mới và không muốn thoát nghèo, vì khi đã đạt chuẩn hoặc thoát nghèo thì không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, Phó Thủ tướng cho biết sẽ có những điều chỉnh về chính sách tạo động lực cho bà con có thể tự vươn lên; đồng thời Phó Thủ tướng cũng mong chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường vận động bà con được thụ hưởng các chương trình, dự án có một tâm thế mới hơn, tích cực hơn, tránh sự ỉ lại thì mới có thể đạt được kết quả tốt đẹp.

Thông qua hoạt động giám sát lần này, Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với các ý kiến nhấn mạnh phải quan tâm cả hai yếu tố là tiến độ giải ngân lẫn chất lượng đầu tư mới có thể phát huy hết ý nghĩa của các chương trình MTQG như kỳ vọng.

Về ý kiến cho rằng khi đã có văn bản hướng dẫn rồi nhưng đọc khó hiểu, khó thực hiện, Phó Thủ tướng ghi nhận và sẽ cho kiểm tra lại; đồng thời Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế là cùng một mặt bằng cơ chế chính sách nhưng vẫn có những địa phương đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn, vì thế ông mong muốn các địa phương quan tâm vấn đề này.

Cho rằng nhiệm vụ phía trước còn không ít khó khăn, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu Quốc hội cùng đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để đến cuối nhiệm kỳ các chương trình đạt được được mục tiêu đã đề ra./.

Hải Minh

206 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 588
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 588
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221590