Tổng hợp thông tin từ các nguồn cho thấy thời gian gần đây, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có chiều hướng giảm với mức giảm từ 500 -1.000 đồng/kg.
Trong khi vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm do sản lượng, năng suất cao và chất lượng tốt nhất, nhiều nông dân đã kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn đối với những diện tích thu hoạch sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá lúa vẫn đang tiếp tục giảm.
Việc tiêu thụ lúa hết sức khó khăn. Nguyên nhân được cho là do thiếu đơn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Các địa phương như TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp… vừa phải họp “nóng” để tìm giải pháp thu mua lúa gạo cho nông dân.
Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, hiện địa phương đã thu hoạch được hơn 1.100 ha trong tổng số hơn 81.200 ha lúa đông xuân 2018-2019. Năng suất khoảng 7 tấn/ha. Dự kiến, tổng sản lượng lúa đông xuân thu hoạch khoảng 570.000 tấn; thời gian thu hoạch từ nay đến hết tháng 2/2019.
Tuy nhiên, qua những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, nông dân ra đồng thu hoạch lúa đông xuân sớm cho biết, giá lúa bán cho thương lái có dấu hiệu giảm giá nhanh so với trước Tết.
Theo một số thương lái, chỉ trong vòng 10 ngày trước và sau Tết, giá lúa biến động mạnh khi vụ lúa đông xuân ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL sắp bước vào đợt thu hoạch rộ. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo khởi động chậm. Một số nhà máy đến mùng 9 Tết (13/2) mới mở cửa kho thu mua. Do đó, thương lái đặt tiền cọc mua lúa tươi tại ruộng từ trước Tết càng lúng túng, bị động hơn khi thu mua lúa. Một số giống lúa như: IR50404, Jasmine 85, lúa Đài Thơm 8… dự kiến sẽ tiêu thụ mạnh nhưng hiện giá bị giảm, bình quân giá giảm hơn 100-200 đồng/kg so với ngày mùng 6 Tết (10/2).
Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, hiện giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg (so với đầu tháng 1/2019) và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ. Hầu hết, nông dân ở vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được lúa.
Nguyên nhân giá lúa giảm là do một số doanh nghiệp lớn chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên ngoài. Chẳng hạn, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo dẫn đến Công ty Lương thực miền Nam chưa tổ chức thu mua lúa; Công ty Lương thực miền Bắc chưa có kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ trong việc thu mua lúa…
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết hằng năm, các ngân hàng thương mại cấp định mức cho vay đối với các doanh nghiệp theo hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu nên kế hoạch giải ngân của ngân hàng hạn chế và bị cắt giảm hạn mức cho vay, gây khó khăn trong việc thu mua lúa.
Tại An Giang, không chỉ lúa thường mà cả lúa gạo chất lượng cao giá cũng giảm mạnh. Lúa chất lượng cao RVT năm 2018 có giá 8.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 5.500 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao khác như: ST, Đài Thơm… cũng giảm khoảng 2.000 đồng/kg.
Tại Đồng Tháp, vụ đông xuân 2018 - 2019 toàn tỉnh xuống giống đạt 205.000 ha. Dự kiến thu hoạch rộ vào đầu tháng 3/2019 với sản lượng toàn vụ ước đạt 1,4 triệu tấn.
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 không thuận lợi do hợp đồng tập trung chưa phát sinh, hợp đồng thương mại đang thỏa thuận chào giá nhưng không khả quan, hợp đồng cũ chuyển sang không còn nhiều, trong khi lượng lúa, gạo tồn kho ở mức cao, ước khoảng 120.000 tấn.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn hiện nay là thị trường Trung Quốc cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Trong khi đó, điều kiện nhập khẩu chính ngạch tiếp tục khó khăn, chủ yếu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đề xuất giải pháp, lãnh đạo Hiệp hội Lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ thống nhất thực hiện thu mua tạm trữ; mở rộng chính sách tín chấp, tăng cường hạn mức tín dụng để doanh nghiệp có tiền mua lúa của nông dân trong thời gian ngắn nhất; đẩy mạnh liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, HTX trong việc thu mua lúa...
Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 15/2, Hiệp hội đã có công văn gửi các doanh nghiệp hội viên đốc thúc việc tiến hành các giải pháp tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân từ ngày 15/2.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp chủ động thực hiện mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP; đẩy nhanh tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký kết; tiến hành thu mua nhanh chóng các hợp đồng bao tiêu lúa gạo với nông dân.
Trong diễn biến mới nhất, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo, ngày hôm qua 18/2, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản số 928/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và các ngân hàng thương mại thực hiện một số nội dung về việc cho vay thu mua thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2019.
Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua lúa gạo; làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho người dân.
NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa gạo; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn và xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo.
Thanh Xuân